Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII diễn ra từ ngày 7-12/5, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng như các Đề án liên quan đến công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội. Đây là những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, trong đó có các cán bộ hưu trí ở tỉnh Bình Dương.
Cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định sự thành bại của cách mạng
Ông Nguyễn Văn Rua, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương rất phấn khởi khi hay tin Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII tập trung xem xét, quyết định ba đề án quan trọng, trong đó Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” theo ông là đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng.
Theo ông Nguyễn Văn Rua, cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định mọi vấn đề của đất nước, của cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới hiện nay. Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (Khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, Đảng ta luôn chăm lo và hết sức quan tâm đến công tác cán bộ. Cụ thể, Đảng và Nhà nước liên tục chỉ đạo đổi mới công tác cán bộ từ khâu đào tạo, quy hoạch đến luân chuyển, bố trí cán bộ; đặc biệt là việc đổi mới trong công tác bổ nhiệm, thi tuyển cán bộ, thi nâng ngạch. Đảng đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ trẻ có đạo đức tốt, có năng lực và trình độ chuyên môn vững vàng; đi đôi với khen thưởng cán bộ có thành tích xuất sắc thì cũng mạnh dạn xem xét, xử lý, kỷ luật đúng mức những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc lạm quyền, tham nhũng,…
Tuy nhiên, đây đó vẫn còn bộc lộ những hạn chế trong công tác cán bộ như: Đội ngũ đông nhưng chưa đồng bộ, vừa thừa, vừa thiếu; có tình trạng bố trí, sử dụng cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn, thiếu bằng cấp, thiếu năng lực, không đảm bảo quy trình. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ cũng còn nhiều bất cập, chưa hợp lý; chưa thu hút, khuyến khích người giỏi vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước… Ông Nguyễn Văn Rua rất vui mừng khi Đảng ta đã nhận thấy rõ những thành tựu, hạn chế, thiếu sót trong công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ hiện nay. Trong thời gian tới, Đảng cần đề ra những giải pháp đủ mạnh để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất đạo đức, có uy tín và năng lực ngang tầm nhiệm vụ được giao; đó phải là những cán bộ có tâm và có tầm. Ông Rua tin tưởng chắc chắn rằng Đảng sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đi đôi với cải tiến chính sách tiền lương để cán bộ có điều kiện thuận lợi hơn, an tâm công tác, phấn đấu vươn lên; tinh gọn biên chế đủ số lượng, đồng bộ, cán bộ phát huy năng lực chuyên môn cao nhất và có thu nhập tương xứng.
Khuyến khích người có năng lực cống hiến
Nói về Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, ông Phan Thành Sơn, nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho rằng rất ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Đây là vấn đề cụ thể hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Nghị quyết Đại hội XII thật sự coi con người là trung tâm của sự phát triển và là động lực giải quyết các vấn đề năng suất lao động sản phẩm xã hội, thu hút nhân tài; nâng sản phẩm con người đáp ứng yêu cầu mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước, thể hiện rõ bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Theo ông Phan Thành Sơn, việc xây dựng đề án đã nói lên ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách tiền lương. Hiện nay chính sách tiền lương còn bất cập, chưa khuyến khích được người có năng lực cống hiến. Do đó, Đề án cải cách chính sách tiền lương lần này sẽ đem đến nhiều niềm vui, niềm tin vào Đảng càng vững chắc. Một bài học khi học và làm theo lời Bác là biết lắng nghe, nhìn thẳng vào thực tế, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Về các giải pháp, nhất là giảm biên chế phải làm khẩn trương để thực hiện sớm chính sách tiền lương; Chính phủ cần tổng kết việc xác định vị trí việc làm có đúng và thực sự khách quan.
Chính sách lớn trong đảm bảo an sinh xã hội
Nói về Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, ông Bùi Hữu Phong - nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương nhận định: Bảo hiểm xã hội là một chính sách rất lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Tại Việt Nam, sự nghiệp an sinh xã hội cần có sự tham gia, đóng góp của cả người dân và Nhà nước. Thời gian qua chúng ta đã thực hiện an sinh xã hội tốt, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, khó khăn nhất định về mặt quản lý, chính sách.
Tỉnh Bình Dương có số người tham gia bảo hiểm xã hội cao thứ ba, sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Về mở rộng diện bao phủ đóng bảo hiểm xã hội, ông Bùi Hữu Phong cho rằng, lượng công nhân tại tỉnh Bình Dương rất lớn, khi nghỉ việc họ chấp nhận trợ cấp 1 lần cho trước mắt mà không tính lâu dài. Đối với doanh nghiệp trốn đóng hoặc dây dưa không chịu đóng bảo hiểm xã hội, đề nghị Nhà nước cần có chính sách phạt thật nặng vì đã làm ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động. Về chi trả quỹ bảo hiểm xã hội ở doanh nghiệp thì doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả, khi về hưu thì trách nhiệm thuộc bưu điện xã. Nếu người nào đau ốm, bệnh tật không đi được thì bưu điện xã phường đến trực tiếp gia đình chi trả, không tính chi phí. Về mức tiền phải đóng, để dễ dàng, thuận tiện cho người dân cần quy định đóng 6 tháng, 12 tháng…, không nhất thiết phải bằng lương tối thiểu cơ sở.
Nguyễn Văn Việt
Theo TTXVN