Những ngày xuân nắng ấm, sáng sớm mai mở toang ô cửa sổ, từng giọt mưa xuân rơi, sương mai se lạnh, không gian chững lại, thật tĩnh tại và lắng đọng...
Sau 30 phút yoga, bật chế độ wifi điện thoại, trong số những tin nhắn chờ, có tin khá dài của cô bạn thân, từng học kinh tế đối ngoại. Tôi vẫn nhớ, ngày còn học đại học ngoại thương, với chỉ vài trăm nghìn tiền vốn, cô ấy đã mua hoa hồng bán dịp Valentine's mà tiền lãi đủ mua chiếc mini Nhật thật đẹp.
Rồi Tết về quê, cô nàng “ủ mưu” mua hoa ly về bán và rất đắt hàng. Nói chung, cô ấy luôn tháo vát, hoạt bát và chịu khó nên cứ "đánh đâu thắng đó". Sau 2 năm ra trường, cô ấy cùng gia đình nhà chồng có một cửa hàng xăng dầu, rồi 2 cái, 3 cái và hiện tại là 4 cửa hàng xăng dầu cỡ lớn. Chưa kể, cô còn có 1 nhà hàng ở phố cổ Hội An và 1 shop quần áo ở Đà Nẵng.
Cuộc sống người dân có nhiều xáo trộn- Ảnh: Internet. |
Bấm đọc tin: “Hi nàng! Vừa ký quyết định chuyển nhượng 1 của hàng xăng dầu, tình hình ảm đạm quá. Ghé vào tường Facebook nhà bạn mong có gì đó nhẹ nhàng vui vui để đọc, khắp Facebook cứ thấy toàn tin về covid-19, biết là nên biết, phải biết nhưng oải quá. Tình hình ở nhà thế nào?".
Vừa đáp lời: "Chào “kiều nữ kiêm “đại gia”!", không phải đợi quá 20 giây là có cuộc trò chuyện bất ngờ với cô bạn luôn bận rộn ấy. Đúng là covid-19 đã tạo ra những thay đổi, nhưng thay đổi lần này là tạo ra sự nhàn rỗi bất đắc dĩ cho rất nhiều người. Mỗi ngày đọc tin về những con số mắc nhiễm mới, tử vong mà lòng không khỏi lo lắng.
Nghe bạn chia sẻ về sự trăn trở cho gần 200 nhân viên trong hệ thống kinh doanh của công ty - quả thật tôi mắt tròn, mắt dẹt. Với một đứa học (chuyên ban) xã hội như tôi, đi làm 16 năm vẫn chưa nắm rõ cách tính lương, nên vấn đề quản trị nhân sự tôi càng không hiểu. Nghe xong, tôi chỉ biết động viên, trấn an tinh thần cô bạn:"Tình hình chung như vậy, giữ sức khoẻ, cầm cự chờ hửng nắng, mong tình hình khả quan’.
Nói tới nắng, tôi vẫn luôn tin nắng là tia hy vọng, là niềm hân hoan trong mỗi đứa trẻ thơ. Ngày trước, mỗi năm cứ sau tết, tiết trời tháng 3 với những ngày nắng ấm, thi thoảng có sương, độ ẩm cao, muỗi và sâu bọ rất nhiều, mẹ vẫn nói: “Mong trời nắng cho to, nắng to sẽ bớt, sẽ hết mòng muỗi, chuột bọ".
Hồi trước, lúc chưa có nước máy, hiếm nhà có máy giặt, cứ chờ nắng to, các giếng làng, các dòng chảy lớn, tấp nập đông vui người người giặt chăn màn, nhà nào cũng mở toang hết cửa sổ, cửa chính, nắng vàng ngập tràn chiếu sáng, cảm giác sạch sẽ, không gian bao la thoáng đãng…
Chúng tôi, những đứa trẻ ở quê có nhiều kỷ niệm ngày nắng ấm. Cứ hè về, chúng tôi lại hẹn nhau tung tăng. Nắng miền Trung có gắt bao nhiêu, vẫn cứ vui và khiến chúng tôi hào hứng. Nhìn những đứa trẻ đạp xe tung tăng ngoài quảng trường, lòng tôi bỗng rộn rã…
Nói thật, tuổi thơ ngày đó buồn cũng chỉ quanh quẩn mấy việc: Điểm thi thấp, bát mì thiếu quả trứng, gói bim bim ăn cùng bạn bị “chiếm” phần nhiều hơn… Giờ tôi ước giá như trời cứ nắng, giá như trẻ thơ cứ giữ mãi nụ cười này.
Thôi thì, tạm quên chuyện bất động sản đóng băng, các ngành dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, du lịch thưa thớt ảm đạm, công ty lữ hành phải cho nhân viên nghỉ việc… tôi trở về với nhịp sống thường nhật.
Đường phố vắng tanh trong mùa dijchCovid-19- Ảnh: Internet |
Ghé vào đổ xăng, chị nhân viên đùa: “Hôm nay xăng xuống rẻ quá, ô tô đi tha hồ sướng, không lo tốn em nhỉ". Thú thật, lần nay xăng rẻ cũng buồn buồn: “Em vẫn không thấy vui chị ơi”, tôi đáp gọn rồi nhoẻn miệng cười với chị.
Về nhà, chìm vào giấc ngủ dài sau một đêm, tôi nghĩ tới cô bạn, tới những việc xảy ra hôm nay và mường tượng về ký ức tuổi thơ. Tôi chỉ mong sao, dịch Covid- 19 sớm được đẩy lùi. Mong cho nhịp sống lại hối hả như thường nhật, lo toan cũng được, vội vã cũng được miễn là nó “cứ bình thường”.
Trà Anh