Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảm phục những thầy cô vượt dốc, giá rét, “cõng chữ” lên đỉnh Đê Kôn

(DS&PL) -

Giữa cái giá rét của trời cuối đông, trên đỉnh Đê Kôn, các giáo viên vẫn dậy sớm mỗi ngày, vượt qua cung đường lầy nguy hiểm mang con chữ tới cho các em.

Giữa cái giá rét của trời cuối đông, trên đỉnh Đê Kôn, các giáo viên vẫn dậy sớm mỗi ngày, vượt qua cung đường lầy nguy hiểm mang con chữ tới cho các em.

Quãng đường vất vả là thế, nhưng thầy cô giáo luôn nở nụ cười.

Cuối xã Hra (huyện Mang Yang, Gia Lai) là con đèo Mang Yang, nơi này thường được người dân bản địa gọi là “cổng trời”. Địa hình của xã được bao quanh bởi những dãy núi Hra, tạo thành một lòng chảo rộng.

Làng Đê Kon nằm tách biệt trên một đỉnh núi cao. Người dân nơi đây, quanh năm chỉ biết đến cây sắn, cây mì. Chỉ khi các giáo viên “cõng chữ” từ miền xuôi lên đỉnh thì học sinh mới được đến trường.

Hành trình mang con chữ hay đồ ăn, thức uống đến với những học trò nghèo làng Đê Kôn là cả quãng đường gian khổ khi bánh xe bám dày đặc đất đỏ.

Để đến được điểm trường Đê Kôn, giáo viên phải vượt qua dốc núi dựng đứng khoảng 4km. 5h sáng, khi gà chưa cất tiếng gáy, cô Lê Thị Diệu (55 tuổi) và cô Hà Thị Linh (48 tuổi) đã phải rồ ga xe, bươn lên từng con dốc. 

“Trời lạnh, rét, các cô không sợ đâu. Cứ leo núi thì mồ hôi đổ ra là mát. Lo nhất là những lúc trời mưa, tay các cô yếu mà đường thì dốc đứng, trơn trợt. Gặp lúc đó, chỉ biết bỏ xe máy lại mà bò lên núi từng đoạn. Đường thì dài, các cô phải đi bộ phải vài tiếng đồng hồ mới đến được điểm trường. Dân thấy xe các cô bỏ lại cũng không ai lấy. Lúc trời tạnh thì mình nhờ dân chở xuống lấy xe rồi về”, cô Diệu nói trong tiếng cười.

"Công việc đầu tiên đến trường là điểm danh sĩ số, nếu em nào vắng thì giáo viên đến nhà hỏi thăm và chở lên trường. Nhiều lúc học sinh ốm nặng chúng tôi cũng chở xuống núi để đưa đến trạm xá khám”, cô Linh chia sẻ.

Những cô cậu học trò xòe bàn tay bé xíu, nhận những nắm xôi, miếng ram còn bốc khói nghi ngút được các giáo viên nấu vội từ sớm, mang lên cho học sinh.

Hình ảnh những gương mặt nhem nhuốc ăn ngon lành từng miếng xôi, vương cả ra quần áo giữa trời giá rét khiến ai cũng động lòng. Ăn xong, các em khoác lên mình những bộ áo ấm được các giáo viên mang tặng, bước vào lớp học với niềm vui và hạnh phúc khôn tả.

Nắm xôi giúp trò vùng cao ấm bụng trước khi vào lớp.

Thầy Nguyễn Huy Ba là một trong những giáo viên “cắm bản” hơn chục năm tại điểm trường làng Đê Kôn. Thầy Ba tâm sự: “Năm 2008, tôi lên dạy trên điểm trường khó khăn nhất này. Lúc đó, đường xá còn gian nan, toàn phải xuyên rừng mất hàng tiếng đồng hồ mới lên được tận đỉnh. Khó khăn vậy nên chúng tôi phải ở trên này đến cuối tuần mới được về.

Người dân thấy giáo viên ăn ở thiếu thốn lại vác gạo miền xuôi lên. Lúc này, dân đã nói các giáo viên cứ lên đây ở lại nhà dân, không phải mang gì lên cả. Ở đây, người dân có gạo thì ăn gạo, có rau rừng thì ăn rau rừng… Không để cho giáo viên đói đâu”.

“Mới đầu, dân chưa hiểu về “cái chữ” nên lúc đi vận động học sinh ra lớp rất khó khăn. Nhưng qua công tác dân vận, nhờ những người có uy tín phối hợp để giải thích và dân tin mới chịu đưa con đến trường. Khi được dân tin, dân yêu, chúng tôi đã thuận lợi rất nhiều trong công tác dạy học và được bà con giúp đỡ rất nhiều khi dạy trên đỉnh Đê Kôn này’, thầy Ba nhớ lại

Gắn bó gần như cả tuổi thanh xuân, hơn 20 năm, thầy Nguyễn Huy Ba và thầy Mai Ánh Dương thay nhau cắm bản trên điểm trường làng Đê Kon. Năm 2018, dân làng mong muốn trường cho giáo viên nữ lên đây cùng dạy học sinh. Vì thế mà cô Diệu và cô Linh xung phong lên điểm trường vùng khó cùng bà con gieo con chữ.

Cô Lê Thị Kim Quy, hiệu trưởng trường Tiểu học Hra số 2 cho biết, trường có 556 học sinh, đa phần là các em đồng bào Bahnar. Tại các làng đều có điểm trường và thuận lợi cho các em học sinh đi học. Với điểm trường làng Đê Kôn nằm tách biệt trên đỉnh núi nên các giáo viên gặp khó khăn trong việc đến trường. Những năm tới, trường sẽ có sự luân phiên nhằm duy trì công tác dạy và học xuyên suốt nhằm nâng cao được chất lượng giáo dục vùng cao.

“Gia Lai những ngày cuối năm, trời bắt đầu rét căm, ở nhà nhiều em cơm không đủ ăn thì lấy đâu ra đủ áo để mặc. Có em cả tuần đi học chỉ có mỗi một bộ đồ duy nhất, vì thế chúng tôi cắm bản ở đây, thương các em không biết kể sao cho xiết", cô Kim rưng rưng và đưa ánh mắt xa xăm nhìn vào những đứa học trò nghèo đang vui vẻ chơi đùa.

Mộc Miên (T/h)

Tin nổi bật