Tình nguyện viên Mỹ bị cứng khớp, sốt, ớn lạnh, hay mệt mỏi sau 2 mũi tiêm vaccine nhưng anh vẫn thấy tự hào khi có thể góp điều gì đó trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Yasir Batalvi là sinh viên 24 tuổi vừa tốt nghiệp đại học ở Boston. Batalvi đăng ký tham gia thử nghiệm vắc xin vào đầu tháng 7/2020 với mục đích có thể góp phần chống lại đại dịch COVID-19.
Batalvi chia sẻ với CNN: "Tôi cảm thấy vô cùng bất lực. Đại dịch này thực sự ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của mọi người. Tôi đã đăng ký vì muốn làm những gì có thể".
"Ban đầu, mũi tiêm cho cảm giác như tiêm phòng cúm, nó chỉ để lại một vết nhỏ trên cánh tay", anh nhớ lại. "Tôi rời bệnh viện về nhà và tối hôm đó, khớp bắt đầu cứng lại. Tôi chắc chắn vẫn kiểm soát được tình hình nhưng đúng là không muốn giơ tay lên. Tác dụng phụ chỉ mang tính cục bộ, không gây ảnh hưởng lớn và tôi vẫn cảm thấy ổn".
Tình nguyện viên Yasir Batalvi chia sẻ cảm nhận sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Ảnh: Boston Herald. |
Đó là sau liều đầu tiên. Liều thứ hai lại khác hẳn.
"Tôi thực sự xuất hiện một số triệu chứng khá nghiêm trọng sau liều thứ hai. Lúc mới tiêm xong tôi vẫn ổn khi ở trong viện. Nhưng tối hôm đó thật tồi tệ. Tôi bắt đầu sốt nhẹ, mệt mỏi và ớn lạnh", Batalvi nói. Anh đã rời viện về nhà nhưng thấy mình "sẵn sàng quay lại viện ngày hôm sau".
Batalvi gọi điện cho bác sĩ của chương trình để hỏi về triệu chứng. Họ không hề hoảng hốt và khuyên anh giữ bình tĩnh. Những triệu chứng trên không có nghĩa là bạn nhiễm nCoV do vắc xin, mà thực tế, những phản ứng này cho thấy cơ thể đang phản ứng đúng cách.
Tình nguyện viên Mỹ được tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19. Ảnh: CNN. |
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cũng khẳng định đây là phản ứng tốt với việc tiêm vắc xin. Ông nói có người thấy đau ở cánh tay, một số người sẽ thấy hơi lạnh, giống cúm và có thể bị sốt. Hầu hết triệu chứng này sẽ biến mất trong vòng 24 giờ, nhiều nhất là 48 giờ. Tiến sĩ Fauci nhấn mạnh điều quan trọng là mọi người phải trung thực thông báo về những tác dụng phụ mình gặp phải.
Tại Mỹ, hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chiến nhận giấy phép sử dụng khẩn cấp từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ là Pfizer/BioNTech và Moderna. Cả hai vắc xin này đều sử dụng công nghệ mRNA mới. Mỹ chưa từng cấp phép cho loại vắc xin nào sử dụng công nghệ này dù đã nghiên cứu nó trong nhiều thập kỷ, chống lại các bệnh nhiễm trùng như cúm, bệnh dại và Zika.
Kết quả nghiên cứu cho thấy vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna đều hiệu quả 95%. Nhưng vì công nghệ này quá mới với vắc xin, đặt ra nhiều câu hỏi và một số lo ngại cho những người dự định sử dụng.
Bích Thảo (T/h)