Hơn hai chục năm công tác, duy nhất một lần, thầy giáo này được vợ lên thăm. Còn bình thường, cứ mỗi năm, thầy được về với gia đình 2 lần vào dịp hè và Tết.
Thầy Đỗ Văn Nhất. Ảnh: Zing.vn |
Hơn 20 năm qua, thầy Đỗ Văn Nhất (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), đã đi khắp các bản khó khăn nhất của Mường Lát, Thanh Hóa, để gieo cái chữ cho các em nhỏ.
Năm 2001, điểm trường đầu tiên thầy Nhất đến là Pa Púa. Ngày đó, không có đường đi, từ trung tâm của xã Trung Lý, thầy phải đi bộ một ngày mới đến được chân núi Pa Púa.
Đường từ trung tâm xã vào chân núi đã khó đi, vượt từ chân núi lên đến đỉnh là cả một kỳ tích. "Những người gieo chữ" phải túm cây theo kiểu leo dây để đu lên.
Sau này, cứ vài năm, thầy Nhất lại được luân chuyển đi bản khó khăn khác. Ngay cả Tà Cóm, bản xa nhất của xã với quãng đường rừng hơn 54 km, thầy Nhất cũng đã đặt chân tới. Mỗi bản có những khó khăn không giống nhau nhưng nói về cung đường để đến được với học trò thì gian nan, khổ như nhau.
Dù nắng hay mưa, thầy Nhất đều lên lớp. Với tình yêu học trò, nam giáo viên coi chúng như con em mình.
Thầy Nhất chuẩn bị cơm cho các em. Ảnh: zing.vn |
Mỗi lần đến đầu năm học, các thầy cô lại lặn lội vào từng nhà vận động cho các con đến trường. Đường đi đã khó, “đường” đến với học trò còn khó hơn. Học trò nơi đây không biết nhiều tiếng Kinh nên những năm đầu, giáo viên phải vừa học tiếng Mông vừa học phương pháp dạy. Ngày nào thầy trò cũng phải “đánh vật” với từng “cái chữ”, con số, cứ tiếng H’Mông và tiếng Kinh đan xen nhau.
Giáo án soạn cũng chỉ là những bài giảng thông thường và đơn giản nhất. Thầy Nhất bảo làm sao để các con nghe lời đã khó, chứ chưa nói dạy thế nào chúng có thể hiểu.
Không những vậy, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến các thầy cô đều phải dạy lớp ghép. Thầy Nhất kiêm 2 lớp (3 và 4) trong cùng một thời gian. Vì thế, ông cứ quay sang lớp này hướng dẫn bài cho học sinh, rồi lại tất bật chạy sang lớp kia.
“Nhiều giáo viên đã bỏ cuộc, nhưng mình nghĩ nếu cũng làm vậy thì lũ học trò biết phải làm sao? Cứ nhìn thấy mặt mũi lấm lem của chúng, trời lạnh căm căm chỉ một manh áo mỏng đến trường, hay những hôm các em nhịn đói đi học, tình thương lại lấn át tất cả”, thầy Nhất chia sẻ.
Hơn hai chục năm công tác, duy nhất một lần, thầy giáo này được vợ lên thăm. Còn bình thường, cứ mỗi năm, thầy được về với gia đình 2 lần vào dịp hè và Tết.
Thầy Nhất coi học sinh như con em của mình. Ngoài việc giảng dạy trên lớp, nam giáo viên còn cắt tóc, tắm hay đưa các em qua những đoạn đường khó để về nhà. |
Tại Yên Bái, tấm gương thầy giáo Nguyễn Duy Tiến (hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú xã Bản Công, huyện Trạm Tấu) - người gắn bó nửa đời mình với sự nghiệp giảng dạy tại vùng cao cũng khiến nhiều người xúc động.
34 năm về trước, thầy Tiến khi đó mới 17 tuổi, người gầy, nước da ngăm đen. Con đường từ thị xã Nghĩa Lộ đến huyện Trạm Tấu dài khoảng 30km nhưng thầy Tiến phải cuốc bộ cả ngày mới đến điểm trường.
Cho tới bây giờ, con đường đó cũng không khác là mấy. Đó là đường mòn nhỏ, bên là núi, bên vực sâu. Ngày mưa gió, bùn ngập nửa bánh xe.
Những ngày đầu ở đây chưa quen vì không biết tiếng người địa phương, cơ sở vật chất cũng gần như không có gì, không có điện, không có nước sạch… khiến thầy Tiến gặp không ít khó khăn. Dù vậy, thầy lúc nào cũng tâm niệm làm sao giúp được các em vùng cao có thể đi học, biết được con chữ.
Thầy sống cùng bà con và bắt đầu học ngôn ngữ của người địa phương. Thời gian cứ thế trôi đi thấm thoát đã nửa đời người.
Đến nay thầy Tiến công tác tại 6 trường và đều làm chức vụ hiệu trưởng. Thế hệ học trò của thầy nhiều người làm lãnh đạo tại địa phương hoặc đang công tác trong ngành giáo dục. Thầy nhiều lần nhận bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái cũng như Bộ GD&ĐT.
Thầy Nguyễn Duy Tiến. Ảnh: VTC News |
Mộc Miên (T/h)