(ĐSPL) - Rất khó để tin rằng quy định về cấm rượu bia sau 22h sẽ áp dụng đại trà được ngay từ bước đầu. Bởi vậy, phương án cấm bán rượu bia từ 22h đến 6h sáng ở một số địa điểm nhất định và có lộ trình là khả thi nhất.
Quy định cấm bán rượu bia sau 22h trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Bộ Y tế đưa ra mới đây đang gây rất nhiều tranh cãi. Xung quanh vấn đề này, báo Đời sống và Pháp luật có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Ủy viên BCH Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
|
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam |
Khoanh vùng được phép bán
Thưa ông, việc quy định cấm bán rượu bia sau 22h của Bộ Y tế đang gây tranh cãi rất nhiều. Theo ông thì nếu quy định này được áp dụng, nó sẽ tác động như thế nào đến kinh tế, văn hóa, cũng như thói quen của người dân?
Bất cứ một quy định nào đưa ra phải đánh giá nó có phù hợp với hệ thống pháp luật không, có phù hợp với Hiến pháp hay không. Theo tôi trong trường hợp này, về lợi ích của sức khoẻ của cộng đồng, việc đưa ra một quy định như vậy có thể lý giải được.
Việc cấm rượu bia vì lợi ích của cộng đồng, sự bền vững trong phát triển sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ cộng đồng và phù hợp với Hiến pháp.
Mặt khác, quy định này có phù hợp với quy định của pháp luật khác không? Dự thảo luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, chiếu theo căn cứ pháp luật mà nói là hoàn toàn phù hợp.
Trong luật doanh nghiệp, các luật chuyên ngành liên quan đến các vấn đề kinh doanh cũng có nói lý do về sức khoẻ cộng đồng, người ta có thể ra ban hành những quyết định hạn chế quyền tự do kinh doanh.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế, nếu nhìn ở góc độ đa chiều có thể thấy quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành sản xuất rượu bia. Nhưng điều đó cũng rất có thể sẽ có lợi cho ngành nghề về nước giải khát.
Rượu bia hạn chế thì người ta sẽ quay sang uống nước giải khát. Mặc dù chưa có một đánh giá tổng thể rượu bia bị thiệt hại thì nước giải khác có tăng lên không... Nếu những người uống rượu mà chuyển sang uống nước giải khát sau 22h thì kinh tế có thể là không ảnh hưởng nhiều. Nhưng chắc chắn, ngành rượu bia là ngành sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ hai nữa là ngành du lịch có thể ảnh hưởng nếu như không có một giải pháp căn cơ.
Về văn hoá cũng phải nhận thấy một điểm là sau 22h, tỉ lệ người đi uống bia, uống rượu cũng giảm đi rất nhiều, nên nó cũng không phải là ảnh hưởng nhiều lắm đến văn hoá. Bởi thói quen uống bia rượu của người Việt Nam là buổi trưa và buổi chiều tối.
Tất nhiên có những người uống sau 22h, giờ nhưng tỉ lệ những người đó không cao lắm, trừ những người có ý định đi sau 22h họ chọn quán bar, nhà hàng lớn, khách sạn…, những trường hợp đó nên khoanh vùng được phép bán thì tốt hơn.
Trong trường hợp các nhà hàng, tụ điểm ăn uống được cấp phép hoạt động đến 23h, mà luật lại có quy định đến 22h cấm bán rượu bia, như vậy có phải là một hình thức làm khó người kinh doanh?
Quy định phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia trong dự thảo luật của Bộ Y tế mục đích không phải là làm khó cho người kinh doanh. Quy định mà được ban hành thì người kinh doanh rượu bia sẽ gặp khó khăn hơn. Nếu quy định như thế cấm bán rượu bia sau 22h thì chắc chắn những nhà hàng, khách sạn, vũ trường, quan bar sẽ gặp khó khăn rất lớn.
Theo tôi chỉ nên cấm đối với những nơi không có phát triển du lịch. Đối với những quán bar, nhà hàng mà có nhiều khách du lịch, thì chúng ta cũng phải hết sức chú ý vì khách du lịch ở các nước có mùi giờ chênh lệnh so với nước Việt Nam. Nhiều khách ở Mỹ họ sang Việt Nam lệnh nhau 11 giờ. Nếu quy định sau 22h đã cấm bán thì đúng vào giờ của họ là giờ buổi trưa.
|
Cấm bán rượu bia sau 22h đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. |
Đừng để quy định luật đã ban hành nằm trên giấy
Một trong những vấn đề của dự thảo Luật phòng chống tác hại của làm dụng rượu bia này là tính khả thi. Liệu quy định này liệu có thực sự khả thi? Cơ quan nào sẽ là là người đi kiểm tra và xử phạt sau 22h?
Cơ quan thanh tra, một số cơ quan chuyên ngành đi kiểm tra rất khó vì lực lượng thanh tra hiện nay rất mỏng. Nếu cơ quan quản lý thị trường đi làm chuyện này thì vẫn chưa có một tính toán cụ thể.
Về tính khả thi, tôi cho rằng, ban đầu áp dụng quy định thì rất khó để thực hiện. Thực tế đã cho thấy một số quy định hiện nay đã rất khó thực hiện, chẳng hạn như vấn đề hút thuốc lá ở nơi công cộng, chỉ có một vài điểm là có hiệu quả còn nói chung là không thực hiện được. Vì thế, rất khó để tin rằng quy định về cấm rượu bia sau 22h sẽ áp dụng được ngay từ bước đầu.
Để có hiệu lực và tính khả thi phải có cơ quan thanh tra, kiểm tra để phát hiện nhưng dự thảo này cũng chưa thấy nói ban hành luật này đi kiểm tra, có bao nhiêu người, nguồn lấy ở đâu. Việc không có nhân lực để giáp sát thực hiện là một vấn đề rất khó khăn.
Chắc chắn ý thức tự giác thực hiện thì rất khó khăn còn nếu cưỡng chế thực hiện thì lực lượng chưa có. Quy định này có nhiều khả năng khó đi vào trong cuộc sống một cách đồng đều toàn diện.
Đây không phải lần đầu cơ quan tham mưu nghĩ ra những điều cấm “trên trời”. Việc cấm uống rượu bia là cần thiết, nhưng cấm thế nào cho có hiệu quả là một vấn đề, không thể chỉ dùng biện pháp hành chính cứng nhắc mà chưa đánh giá đầy đủ toàn diện?
Theo tôi, cần cố gắng tập trung trước mắt làm thật tốt quy định cấm thuốc lá ở nơi công cộng. Lực lượng thanh tra phải tập trung làm thật tốt điều này. Khi mà thực hiện tốt về quy định cấm thuốc là ở nơi công cộng, người dân họ tin rằng Nhà nước có khả năng thực thi những vấn đề, những quy định đó. Đây là một bằng chứng để cho người dân nhìn vào.
Ngoài ra, chúng ta tuyên truyền, vận động tuyên truyền để tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền để giảm bớt rượu bia.
Có thể sẽ làm thí điểm ở một số địa điểm là 2 thành phố lớn sẽ cấm rượu bia. Để thực hiện tốt thì công chức phải đi đầu, Đảng viên phải gương mẫu, không uống rượu bia vào buổi trưa, không uống rượu bia trong giờ làm việc.
Chúng ta nên tổ chức bằng những hình thức vận động, tuyên truyền trước.
Một khi luật đã ban hành ra, nếu quy định của pháp luật mà không có lực lượng để thực thi thì nó sẽ "không thiêng", coi như bị “treo”, xếp xó...
Mới đây, Bộ Y tế đã đặt ra 3 phương án. Thứ nhất là cấm bán rượu bia từ 22h đến 6h, nhưng chỉ cấm ở một số địa điểm nhất định và có lộ trình. Thứ hai, giao cho UBND tỉnh thành xem xét tình hình từng địa phương, có phương án phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia. Thứ ba, là không quy định về giờ được bán rượu bia nữa mà hạn chế tác hại rượu bia bằng kiểm soát nguồn cung và các biện pháp khác. Trong các phương án mà Bộ Y tế đưa ra, ông thấy phương án nào khả thi nhất?
Trong 3 phương án của Bộ Y tế, phương án cấm bán rượu bia từ 22h đến 6h ở một số địa điểm nhất định và có lộ trình theo tối là khả thi nhất.
Phải làm thật nghiêm ở một số địa điểm để làm gương gương trước đã. Sau khi làm gương và rút ra bài học để quản lý, mỗi tỉnh cũng áp dụng ở một số địa phương những điểm tập trung nhất giao cho Uỷ ban nhân dân làm thí điểm.
Còn thực hiện đại trà cả nông thôn, cả thành phố cùng một lúc làm là không có lực. Nếu không thực thi được dân sẽ nhờn, nhờn về cả vấn đề rượu bia, nhờn về cả thuốc lá, nhờn cả về giao thông, nhờn về tất cả nhiều về vấn đề khác làm cho pháp luật trở nên không được tôn trọng. Điều đó gây ra một thiệt hại rất lớn cho nhà nước và cho xã hội là pháp luật không được tôn trọng thì nhà nước không biết quản lý bằng cái gì.
Xin cảm ơn ông!