(ĐSPL)- Bộ Y tế vừa đưa ra dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Theo đó, người bán rượu bia sau 22h có thể bị cấm. Đây là vấn đề gây tranh cãi rất nhiều trong vài ngày vừa qua.Bên cạnh những ý kiến đồng tình, đã có những ý kiến phản đối và cho rằng, việc cấm uống rượu bia là cần thiết, nhưng cấm thế nào cho có hiệu quả lại là cả một vấn đề. Không thể chỉ dùng biện pháp hành chính cứng nhắc, mà phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó không thể thiếu biện pháp tuyên truyền giáo dục, làm cho mọi người thấy tác hại của rượu bia.
Đơn cử một thí dụ: các tụ điểm ăn uống, nhà hàng được cấp phép hoạt động đến 24h, nay nếu nếu cấm bán rượu bia sau 22h thì họ sẽ kinh doanh kiểu gì? Ai, lực lượng nào sẽ đi xử phạt vào thời điểm đó? Mức phạt sẽ là bao nhiêu? Nếu người vi phạm không nộp phạt thì biện pháp cưỡng chế sẽ thế nào?
Bên cạnh quy định cấm bán rượu bia sau 22h, dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia còn quy định các trường hợp không được uống rượu bia gồm: Người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người tham gia giao thông… Vậy ai, lực lượng nào sẽ giám sát và biện pháp giám sát, tiến hành xử phạt ra sao? Ai sẽ thức sau 22h để đi xử phạt?
|
Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h gây nhiều tranh cãi. Ảnh: M.T.H
|
Nhìn chung, những ý kiến phản đối đều cho rằng, đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h là một đề xuất không thực tế, không thể thực hiện được.
Đề xuất cấm bán rượu bia lần này của Bộ Y tế làm người ta nhớ lại một số quy định trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội, cách đây chưa lâu: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư; Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng...
Nhưng thử hỏi, từ khi có hiệu lực (cuối năm 2013) đến nay, các cơ quan chức năng đã xử phạt được trường hợp nào hay chưa?
Trước đó nữa, chúng ta cũng đã từng có quy định cấm, phạt, nhưng cuối cùng cũng chẳng cấm được ai, phạt được ai. Đó là quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, ai vi phạm sẽ bị phạt 100 ngàn đồng. Đã mấy năm trôi qua, chưa có bất cứ trường hợp nào bị phạt. Gần đây hơn là quy định cấm nghe điện thoại tại cây xăng, ai vi phạm bị xử phạt tới 5 triệu đồng. Nhưng rồi cho đến nay, cơ quan có thẩm quyền cũng chưa phạt được ai.
Việc một chính sách nào đó không thể đi vào cuộc sống đã cho thấy một thực tế: sự quan liêu, xa cách nhu cầu của cuộc sống, thậm chí có biểu hiện của việc thích ra mệnh lệnh trong quá trình làm chính sách. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hiệu lực của pháp luật mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Nhà nước.
Bởi vậy mà để một chính sách đi vào cuộc sống, điều quan trọng nhất là chính sách đó phải được người dân ủng hộ. Muốn vậy, khi hoạch định chính sách, nhu cầu, lợi ích của người dân cần phải được cân nhắc rất kỹ. Lợi ích của người dân phải được đặt lên hàng đầu, ưu tiên cho họ có thể thực hiện luật chứ không thể chỉ chăm chăm rằng khi chính sách nào đó ra đời, chỉ đem lại lợi ích cho cơ quan quản lý.
Một văn bản quy phạm pháp luật, nhất lại là cấm, bao giờ cũng phải hợp pháp, hợp lý, hợp tình, phù hợp với thực tế, xuất phát từ nhu cầu thật sự của thực tế. Nếu không, những quy định đó cũng chỉ là cấm cho vui, bởi chúng vẫn mãi chỉ nằm trên giấy.