Đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản, đường hô hấp dưới tính từ khí quản, phế quản và 2 lá phổi, khi các tác nhân gây bệnh mới xuất hiện các triệu chứng như cảm nhưng không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm đường hô hấp.
Viêm đường hô hấp vào mùa đông ở trẻ nhỏ. Ảnh minh hoạ: Báo tin tức
Chị Nguyễn Thị Nhàn (34 tuổi, Tuyên Quang) chưa hết cảm giác lo sợ khi nghĩ lại quãng thời gian con từng bị mắc viêm đường hô hấp cấp lúc mới 8 tháng tuổi. Trước đó, bé có các triệu chứng sốt cao đến 39 độ, thường xuyên bỏ ăn, khò khè, chảy mũi và quấy khóc. Sau khi chuyển bé lên bệnh viện tỉnh, phát hiện bé bị viêm đường hô hấp cấp và phải nằm theo dõi thường xuyên tại bệnh viện.
“Khi bé mới 8 tháng, đầu tiên xuất hiện triệu chứng chảy mũi, khò khè nhẹ cho uống thuốc phế quản mà không đỡ, bé sau đó bắt đầu sốt cao 38,5 độ có khi lên đến 39 độ, quấy khóc, bỏ ăn, kéo cơn. Lúc đó, gia đình vội đưa bé lên trạm xá và được chuyển lên tuyến trên, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi cấp và phải nằm viện theo dõi. Nhớ những đêm con khóc quấy sốt, kéo cơn lên để thở có lúc tím tái đi mình rất sợ. Thời gian đó, tôi và con ở viện nhiều hơn ở nhà vì điều trị mãi không khỏi, phải đến lúc bé hơn 1 tuổi thì bắt đầu giảm dần, nghĩ đến tôi vẫn chưa hết hoảng”, chị Nhàn nói.
Viêm đường hô hấp có rất nhiều nguyên nhân bởi virus, vi khuẩn, bụi, khí độc, nấm mốc... Bệnh thường bắt đầu từ một loại virus sau đó bội nhiễm vi khuẩn gây ra tình trạng viêm. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có hệ miễn dịch kém, hạn chế cho trẻ ở trong những môi trường ẩm thấp, điều kiện vệ sinh kém, nằm điều hoà quá nhiều.
Vào mùa đông, hạn chế cho trẻ tắm muộn thích hợp nhất vào khoảng thời gian từ 9h30 -10h30 sáng, 13h-16h chiều hàng ngày, không tắm quá 2-3 phút với trẻ sơ sinh và 5-10 phút ở trẻ lớn (từ khi xuống nước), mặc ấm để giữ nhiệt độ cho trẻ.
Gần đây, xuất hiện Adenovirus viêm đường hô hấp cấp có các triệu chứng giống như các bệnh hô hấp thông thường. Dấu hiệu dễ nhận biết trẻ bị mắc viêm hô hấp do Adenovirus là có kèm theo viêm kết mạc.
Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt với trẻ em độ tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.
Adenovirus gây viêm đường hô hấp cấp ở bệnh nhi. Ảnh minh hoạ: Nhân Dân
Bác sĩ Trương Hữu Khanh là nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết, Adenovirus chủ yếu qua đường giọt bắn, đường hô hấp khi tiếp xúc, nói chuyện với người bệnh.
Adenovirus có khả năng lây lan cao kèm theo các biến chứng nguy hiểm đối với những trẻ có bệnh nền và có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp như: Viêm phổi, viêm phổi cấp, viêm phế quản, trẻ em suy giảm miễn dịch…
Adenovirus không khác so với các bệnh hô hấp thông thường, đa số các trường hợp mắc Adenovirus đều có thể tự khỏi, khi điều trị tại nhà cho trẻ uống đủ nước, ăn đủ chất, uống thuốc điều trị triệu chứng giống viêm hô hấp thông thường. Thấy có các triệu chứng bỏ ăn, tím tái, khó thở cần đưa đến bệnh viện để theo dõi điều trị.
“Nhìn chung, khi trẻ bị mắc bệnh về hô hấp không cần phải nghĩ trẻ có phải do mắc Adenovirus hay không mà sẽ điều trị giống như các bệnh hô hấp khác vì Adenovirus không có phương pháp điều trị đặc hiệu nên cho trẻ uống đủ nước, nạp đủ chất, uống thuốc triệu chứng và theo dõi sát tình trạng hô hấp của trẻ khi trẻ có dấu hiệu khó thở, tím tái, bỏ ăn cần đưa đến bệnh viện”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Hiện nay, Adenovirus chưa có vacxin đặc hiệu, cha mẹ muốn phòng bệnh cho con trẻ khi trẻ có các bệnh về hô hấp nên cho nghỉ ngơi tại nhà tránh tiếp xúc các nơi công cộng, trường học. Người lớn khi chăm sóc cho trẻ nên đeo khẩu trang không nên tiếp xúc trực tiếp, người mắc bệnh về hô hấp không nên tiếp xúc với trẻ vì có thể là nguồn lây nhiễm.
Nguyễn Phương Anh