"Phần lớn các nước trên thế giới coi việc điều khiển phương tiện khi uống rượu bia quá mức cho phép là loại tội phạm, do đó có thể áp dụng các giải pháp đối với tội phạm để xử lý là phạt/tịch thu phương tiện/tù giam với mức phạt rất nặng", TS Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia nói.
Lực lượng cảnh sát giao thông Yên Bái kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Ảnh minh họa: Việt Dũng/TTXVN |
Phạt lũy tiến và phạt nặng với những hành vi tái phạm nghiêm trọng
Để xử lý các trường hợp tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, TS Trần Hữu Minh cho rằng: Phương tiện bị tịch thu có thể áp dụng với trường hợp người điều khiển vi phạm lần 2 hoặc 3 với nồng độ cồn quá mức cho phép; có nồng độ cồn quá cao gấp trên 3 lần mức cho phép lần 1 hoặc 2; chống người thi hành công vụ khi kiểm tra nồng độ cồn ngay lần đầu tiên.
“Việt Nam nên cân nhắc để cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe chuyên nghiệp; nhanh chóng sửa đổi hệ thống pháp luật, gồm cả bộ luật hình sự, đưa thêm loại hình vi phạm lái xe có nồng độ cồn quá mức cho phép vào một loại phạm tội; đồng thời bổ sung các chế tài nghiêm khắc cho vi phạm này nếu tái phạm. Việc Australia hoặc Scotland liên tục sửa đổi bộ luật giao thông đường bộ để xử lý các hiện tượng lái xe ẩu (trong đó có uống rượu bia) vào các năm 2004 và 2009 cho thấy sự cần thiết của điều này”, TS Trần Hữu Minh nói.
Theo Uỷ ban ATGT, Việt Nam nên nhanh chóng xây dựng hệ thống các giải pháp phục vụ cho việc xử lý theo mức độ vi phạm, cho người dân cơ hội sửa chữa lỗi lầm nếu thành tâm cải hối, phạt lũy tiến và phạt nặng với những hành vi tái phạm nghiêm trọng và mức độ nguy hiểm cao là một hướng đi đúng.
Một số giải pháp có thể áp dụng gồm: Phạt tiền, dựa trên thu nhập bình quân của nhóm đối tượng sử dụng phương tiện, với xe máy, có thể ở mức 1 tháng lương 3-6 triệu đồng cho vi phạm lần đầu, với xe ô tô, có thể từ 10-20 triệu đồng cho vi phạm lần đầu; phạt điểm trên bằng lái, có thể phân ba loại vi phạm nhẹ 2 điểm/trung bình 4/nặng 6 điểm, nếu có trên 10 điểm phạt sẽ bị tước bằng 1-2 năm...; phạt lũy tiến, với xe máy, có thể nâng mức phạt lên 6-15 triệu đồng cho vi phạm lần 2, và 15-30 triệu đồng cho vi phạm lần 3. Với ô tô, có thể từ 20-40 triệu đồng cho lần 2 và có thể tăng lên 40-200 triệu đồng thậm chí hơn cho vi phạm lần 3 (tùy theo mức vi phạm). Các mức phạt tiền nên được cập nhật 3-5 năm một lần theo mức độ tăng thu nhập của người dân, và mức độ lạm phát.
“Buộc tham gia chương trình huấn luyện đặc biệt cho người có hành vi lái xe nguy hiểm: Bất cứ người vi phạm nào đều phải tham gia và thi đạt mới được nhận lại bằng lái; phạt lao động công ích phục vụ cộng đồng cũng có thể được sử dụng với người vi phạm lần đầu; buộc lắp đặt thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe và chỉ kích hoạt khi người lái có nồng độ cồn dưới mức cho phép: Có thể áp dụng với người lái xe ô tô vi phạm lần 2 với chi phí do người vi phạm trả”, TS Trần Hữu Minh nói.
Theo TS Trần Hữu Minh, cần phạt tù với những trường hợp đã bị xử lý ở trên nhưng không chấp hành, hoặc tái vi phạm lần 4 với nồng độ cồn quá mức cho phép, hoặc có nồng độ cồn quá cao gấp trên 4 lần mức cho phép lần 1 hoặc 2, hoặc chống người thi hành công vụ khi kiểm tra nồng độ cồn ngay lần đầu tiên.
Phát triển hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về vi phạm an toàn giao thông
Theo TS Trần Hữu Minh, để xác định các lỗi tái phạm, cần nhanh chóng phát triển hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về vi phạm an toàn giao thông, chia sẻ hệ dữ liệu này và có sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan có liên quan bao gồm cảnh sát, thanh tra giao thông, bảo hiểm, kiểm định và cơ quan thu phí bảo trì đường bộ.
"Cần nhanh chóng phát triển hệ thống bảo hiểm theo xu hướng của thế giới" - TS Trần Hữu Minh phân tích. Theo đó, nhanh chóng triển khai minh bạch hóa thị trường bảo hiểm theo hướng thắt chặt yêu cầu bảo hiểm, có tổ chức chuyên trách định kỳ kiểm tra việc mua bảo hiểm xe cơ giới với toàn bộ ô tô và xe máy, bảo hiểm thay đổi theo hành vi lái xe, tuổi tác nghề nghiệp và hành vi lái xe, những người có kinh nghiệm lái xe an toàn lâu năm sẽ có mức bảo hiểm rất thấp trong khi những người có lịch sử vi phạm sẽ có mức bảo hiểm rất cao, mã hóa các lỗi vi phạm để phục vụ việc khai báo và tính bảo hiểm...dùng mức bảo hiểm hàng năm như một công cụ kinh tế tác động vào hành vi tham gia giao thông của người dân. Đây là một giải pháp đã được áp dụng rất thành công trên thế giới.
Bên cạnh đó là đơn giản hóa thủ tục tại tòa án, cho phép tòa ra các quyết định nhanh chóng trong mức thời gian nhất định (từ 1-2 ngày làm việc...) trong xử phạt vi phạm ATGT.
Lái xe dùng bia rượu gây tai nạn cần xử lý lỗi cố ý gián tiếp
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), gần đây, nhiều vụ “xe điên” gây tai nạn kinh hoàng tước đi sinh mạng nhiều người khi tham gia giao thông đã gây rất bức xúc trong dư luận xã hội. Mới đây nhất, sáng 1/5, đã xảy ra vụ xe ô tô đâm tử vong 2 phụ nữ điều khiển xe mô tô tại hầm Kim Liên (Hà Nội) mà nguyên nhân là lái xe sử dụng rượu bia.
Dưới góc độ các quy định pháp luật hiện nay thì hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất kích thích khác có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015. Đây là thuộc nhóm tội phạm xảy ra với lỗi vô ý nên chế tài xử lý hình sự chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm này đang có xu hướng gia tăng gây lo lắng và bức xúc cho người dân khi tham gia giao thông.
Theo quan điểm của luật sư, Việt Nam cần phải tăng chế tài đủ sức răn đe, phòng ngừa ngay từ ban đầu chứ không để hậu quả xảy ra rồi mới xử lý.
Trước tiên, cần sửa đổi luật hình sự, xếp nhóm hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ thuộc nhóm hành vi lỗi cố ý gián tiếp theo Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015 "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra".
Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc đưa vào cơ thể mình các chất kích thích như rượu bia, ma túy sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mà gây ra hậu quả thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với lỗi cố ý. Như vậy, nếu hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về hậu quả đến đó. Hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội danh "cố ý gây thương tích" hoặc gây ra chết người thì xử theo tội danh "giết người".
Mặt khác theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, qua gần 3 năm thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt ngày đã không còn phù hợp với thực tiễn, nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi. Cụ thể: Nghị định 46/2016 quy định hình thức xử phạt bổ sung tước bằng lái từ 4-6 tháng hoặc 22-24 tháng và mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng đối với cá nhân là chưa đủ sức răn đe. Do đó, theo quan điểm của luật sư cần tăng mức phạt tối đa với cá nhân khi vi phạm luật giao thông đường bộ lên gấp 2 lần và tăng mức phạt với người sử dụng rượu bia, chất kích thích khi tham gia giao thông trên mọi tuyến đường đường, dù là đường cao tốc.
Ngoài ra, cần sửa đổi bổ sung Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định trường hợp tước bằng lái xe vĩnh viễn hoặc buộc học lại luật giao thông, kể cả buộc phải thi cấp bằng lái xe mới khi tham gia giao thông sử dụng rượu bia, chất kích thích. Nếu tái phạm nhiều lần mà không có khả năng giáo dục, nhận thức chấp hành luật giao thông thì tước bằng lái xe vĩnh viễn.
Theo Báo Tin Tức