Lý do đề nghị hoãn phiên tòa, theo các luật sư, là do vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo 4.000 tỉ đồng chưa được xử phúc thẩm.
Phiên tòa xét xử “Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17/4 tới.
|
Các luật sư xin hoãn phiên xử "bầu Kiên". |
Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý mới nhất của vụ án là việc luật sư Lưu Tiến Dũng, người nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Xuân Giá, vừa có văn bản gửi Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội với đề nghị hoãn phiên tòa vì “chưa có cơ sở để xem xét một trong những yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đang truy tố ông Trần Xuân Giá.
Trước đó, 6 luật sư bào chữa cho các bị can Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn trong vụ án này cũng đã đồng loạt ký văn bản gửi Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị xem xét hoãn phiên tòa.
Lý do đề nghị hoãn phiên tòa, theo các luật sư, là do vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam - Vietinbank) lừa đảo 4.000 tỉ đồng chưa được xử phúc thẩm, nên vẫn chưa xác định được rõ ràng là ACB có bị thiệt hại số tiền 718 tỉ đồng hay không.
Theo các luật sư, các bị can trong đó có ông Trần Xuân Giá bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với hành vi ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi 718 tỉ đồng tiết kiệm vào Vietinbank chi nhánh Tp.HCM, sau đó toàn bộ số tiền gửi trên đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, thiệt hại cho ACB là 718 tỉ đồng.
Ngày 27/1/2014, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã tuyên bản án sơ thẩm xét xử vụ lừa đảo này, theo đó buộc Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường cho ACB số tiền là 668 tỉ đồng; buộc Huỳnh Thị Huyền Như và Trần Thị Tố Quyên liên đới bồi thường cho ACB số tiền là 50 tỉ đồng; buộc Vietinbank chuyển trả lại cho ACB số tiền là 24 tỉ đồng trong tài khoản của 19 nhân viên ACB đứng tên tại VietinBank, khoản tiền này được trừ vào khoản tiền phải bồi thường cho ACB.
Tuy nhiên, sau khi tuyên án sơ thẩm, hầu hết các nguyên đơn dân sự, bị hại gửi tiền vào Vietinbank đều có đơn kháng cáo bản án này và yêu cầu Vietinbank trả tiền cho các cá nhân tổ chức đã gửi tiền vào Vietinbank. ACB cũng kháng cáo với yêu cầu Vietinbank trả cả tiền gốc và lãi với số tiền 913 tỉ đồng.
Vì vụ Huỳnh Thị Huyền Như chưa được xử phúc thẩm và do đó coi như đang tiếp tục diễn ra, các luật sư cho rằng việc truy tố ban lãnh đạo ACB về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không đủ yếu tố cấu thành.
Theo phân tích của một luật sư, “trong trường hợp phiên tòa sơ thẩm xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm kết luận ông Kiên và các bị can trên phạm tội cố ý làm trái gây thiệt hại cho ACB số tiền 718 tỉ đồng mà phiên phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như buộc Vietinbank phải trả tiền cho ACB thì kết quả hai vụ án sẽ mâu thuẫn”.
Trao đổi với VnEconomy, luật sư Lưu Tiến Dũng cho rằng về mặt quy trình tố tụng, việc xét xử ngay vụ “bầu Kiên” trong bối cảnh vụ án liên quan là vụ Huỳnh Thị Huyền Như chưa xử xong là “không thích hợp”. “Ngay cả khi kết quả xử phúc thẩm giữ nguyên như sơ thẩm, giả định rằng Huỳnh Thị Huyền Như có thể bồi thường thì cũng không thể nói vụ việc ở ACB là “gây thiệt hại nghiêm trọng”, ông Dũng nêu giả thuyết.
Ông Dũng cũng cho biết vì phiên tòa kéo dài nhiều ngày, nhưng chỉ có một số ít ngày tòa tiến hành xét xử tội “cố ý làm trái” đối với cá nhân ông Trần Xuân Giá, vì “tuổi cao và đang bị bệnh nặng”, nên kiến nghị tòa cho phép ông Trần Xuân Giá được vắng mặt trong những ngày không xét xử tội danh này.
Hiện chưa rõ Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ trả lời các luật sư như thế nào và có tiến hành xét xử như kế hoạch đã công bố hay không.