Những con số thống kê gần đây cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực trong công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc.
Các nữ y tá tại bệnh viên truyền nhiễm Trường Xuân, Cát Lâm, Trung Quốc vui vẻ chụp ảnh kỷ niệm để chuẩn bị rút khỏi tuyến đầu sau khi hoàn thành công tác phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh đợt 2 thuận lợi. Ảnh: Chinanews |
Thông tấn xã Trung Quốc ngày 3/3 dẫn số liệu từ trang web của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc, tính đến thời điểm 24h ngày 2/3, Trung Quốc ghi nhận thêm 125 trường hợp mới và 31 trường hợp tử vong. Theo đó, đây là mức tăng thêm ít nhất kể từ khi Trung Quốc cập nhật thống kê tình hình COVID-19 mỗi ngày trong tháng 1.
Để những dấu hiệu tích cực như vậy có thể xuất hiện, chính phủ Trung Quốc đã tích cực đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ và quyết đoán, cũng như có nhiều chính sách hỗ trợ cho công tác phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh tại nước này.
Huy động tối đa đội ngũ y tế khắp nơi tới tâm dịch Hồ Bắc
Hơn 38.000 nhân viên y tế và 4000 chuyên viên quân y được chính phủ Trung Quốc gửi đến để hỗ trợ Vũ Hán. Ảnh: ChinaMil |
Tờ The Paper thông tin cho biết, tính đến ngày 22/2, đã có hơn 38.000 nhân viên y tế khắp Trung Quốc đại lục được huy động đến tỉnh Hồ Bắc để hỗ trợ công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh. Trong đó số chuyên gia y tế được chỉ định đến Vũ Hán chiếm 10% nguồn nhân lực y tế nước này.
Báo Phượng Hoàng ngày 2/3 cho hay, Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát chung của Hội đồng Nhà nước đã tổ chức một cuộc họp báo để giới thiệu sự hỗ trợ của quân đội đối với địa phương trong nỗ lực chống lại dịch bệnh viêm phổi Covid-19.
Theo đó, quân đội Trung Quốc đã cử hơn 4.000 chuyên viên quân y chia thành 3 đợt đến hỗ trợ Vũ Hán, tạo thành một hệ thống lực lượng hỗ trợ gồm nhóm hướng dẫn tiền phương, lực lượng hỗ trợ hậu cần chung và nhân viên y tế tuyến đầu.
Tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang chạy hết công suất
Chính phủ Trung Quốc đã tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang chạy hết công xuất. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Theo Nhật báo Nhân Dân, Ủy ban Cải cách và Phát triển nhà nước Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy việc nối lại sản xuất của các công ty khẩu trang, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng, tăng cường và chuyển đổi mô hình sản xuất.
Theo báo cáo công bố vào ngày 2/3, tính đến ngày 29/2, công suất sản xuất khẩu trang thường ngày của Trung Quốc, bao gồm khẩu trang thông thường, khẩu trang y tế và khẩu trang N95 đã đạt tới 110 triệu chiếc và sản lượng hàng ngày là 116 triệu chiếc.
Xác định khẩu trang là một trong những mặt hàng thiết yếu trong dịch bệnh, Trung Quốc không chỉ giải quyết nguồn cung khan hiếm bằng các loại khẩu trang nhập khẩu, mà còn huy động và tăng hỗ trợ đầy đủ cho các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trong nước chạy hết công suất.
Cục Quản lý và Giám sát thị trường nước này đã yêu cầu các ban ngành liên quan tạo điều kiện các doanh nghiệp hoàn thành thủ tục cấp phép và đi vào sản xuất trong thời gian ngắn và nhanh nhất có thể.
Chính quyền Trung Quốc cũng trấn an các nhà sản xuất khẩu trang rằng chính phủ sẽ là đơn vị thu mua nếu trên thị trường không thể tiêu thụ hết sản phẩm.
Hàng loạt bệnh viện dã chiến được xây dựng cấp tốc
Quy mô bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Theo Thời báo Hoàn Cầu, bệnh viện Lôi Thần Sơn Vũ Hán, được bàn giao cho Lực lượng quân y Trung Quốc vào ngày 6/2 sau 12 ngày xây dựng kể lúc khởi công vào ngày 21/2. Bệnh viện dã chiến lớn này có tổng diện tích xây dựng là 75.000m2, gồm 32 phòng bệnh với 1.500 giường.
Trước đo vài ngày, bệnh viện Hỏa Thần Sơn Vũ Hán cũng đã được bàn giao vào ngày 2/2 sau 9 ngày xây dựng, với sức chứa 1.000 giường bệnh.
Cả 2 bệnh viện này đều được xây dựng dựa trên mô hình bệnh viện Tiểu Đường Sơn ở Bắc Kinh (bệnh viện được xây dựng trong đợt phòng chống dịch SARS năm 2003).
Trong trường hợp bình thường, phải mất ít nhất hai năm để xây dựng một bệnh viện có quy mô này.
Ngoài ra giới chức Vũ Hán cũng biến các tòa nhà lớn, khu bao tàng triển lãm, nhà thi đấu,... trở thành bệnh viện dã chiến để đáp ứng nhu cầu điều trị cho các ca nhiễm nhẹ.
Quyết liệt phong tỏa các thành phố có dịch bệnh
Trung Quốc rất quyết liệt trong việc phong tỏa các thành phố có dịch. Ảnh: AP |
Ngày 23/1, trước bối bảnh dịch bệnh bùng phát manh mẽ tại Vũ Hán, chính phủ Trung Quốc đã chính thức thực hiện lệnh phong tỏa thành phố khoảng 11 triệu dân này.
Người dân được khuyến cáo ở trong nhà. Toàn bộ trạm thu phí xa lộ đóng cửa, mọi tuyến đường liên quan bị phong tỏa. Giao thông công cộng, tàu điện ngầm và những chuyến xe buýt liên tỉnh dừng hoạt động.
Ngoài ra các nơi công cộng như bể bơi, rạp chiếu phim và bảo tàng cũng đóng cửa, khiến đời sống của hơn chục triệu người dân bị ảnh hưởng.
Thời điểm đó, Chính quyền Trung Quốc quyết liệt đến mức phong tỏa cả thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, nơi cách tâm dịch Vũ Hán tới 800km.
Theo The Paper, một khu phố thuộc thành phố này thậm chí còn ban hành thẻ thông hành cho mỗi hộ gia đình. Theo đó cứ 2 ngày 1 lần, một gia đình sẽ được phép có một thành viên ra ngoài mua nhu yếu phẩm.
Tính đến ngày 6/2, hơn 50 thành phố ở Trung Quốc đã tuyên bố "phong thành".
Tích cực khử trùng thành phố có dịch
Xe bồn phun thuốc khử trung tài thành phố Vũ Hán. Ảnh: SCMP |
Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh dịch Covid-19, Trung Quốc đã tiến hành công tác khử trùng tại các thành phố trên cả nước. Riêng tại thành phố Vũ Hán, bắt đầu từ ngày 9/2 sẽ được tập trung khử trùng toàn thành phố 2 ngày/lần.
Các loại xe bồn hay những thiết bị bay không người lái đều được sử dụng để phun chất khử trùng khắp thành phố. Ngoài ra, các nhân viên mặc đồ bảo hộ cũng được huy động để tham gia công tác khử trùng tại các khu vực nhỏ lẻ.
Việc khử trùng là một trong những biện pháp được chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong bối cảnh các ca nhiễm vào thời điểm đó không ngừng tăng theo "cấp số nhân".
Hoa Vũ (Theo Chinanews, Nhật báo Nhân dân, The Paper, Báo Phượng Hoàng, Sina, CCTV)