Kết quả kiểm tra tiền công đức
Theo thông tin từ Cổng thông tin Bộ Tài chính, qua kiểm tra cho thấy, trong tổng số 31.581 di tích thành phần trên cả nước, có 15.324 di tích (49%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ. Tổng số tiền thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo).
Cụ thể, tại Báo cáo số 174/BC-BTC ngày 26/6 báo cáo Lãnh đạo Chính phủ về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023, Bộ Tài chính cho biết: theo số liệu của các địa phương, cả nước hiện có 31.211 di tích lịch sử - văn hóa (gồm 31.581 di tích thành phần), trong đó, có 206 di tích quốc gia đặc biệt, 3.875 di tích quốc gia, 10.963 di tích cấp tỉnh và 16.167 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương. Tại các di tích nêu trên về cơ bản đều có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động tại di tích.
Cả nước thực thu 4.100 tỷ đồng tiền công đức trong năm 2023. Ảnh minh họa.
Về công tác quản lý tiền công đức, tài trợ, trước năm 2023, chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh về quản lý tiền công đức trong phạm vi cả nước, một số địa phương ban hành văn bản quy định đối với các di tích trên địa bàn cấp tỉnh; một số địa phương ban hành văn bản áp dụng đối với di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý. Còn lại đa số các địa phương không có văn bản quy định về hoạt động này; việc quản lý chủ yếu là theo thông lệ, theo truyền thống và đặc điểm riêng của mỗi cơ sở di tích.
Theo kết quả kiểm kê, có 07 tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỷ đồng, gồm: Hà Nội 672 tỷ đồng, Hải Dương 278 tỷ đồng, An Giang 277 tỷ đồng, Bắc Ninh 269 tỷ đồng, Hưng Yên 242 tỷ đồng, Nam Định 215 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ninh được giao thực hiện thí điểm việc kiểm tra, số thu 04 tháng đầu năm 2023 trên 67 tỷ đồng (đã bổ sung số thu tại chùa Ba Vàng và một số di tích), ước thu cả năm trên 200 tỷ đồng.
Có 09 tỉnh, thành phố có số thu trên 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng, gồm: Hải Phòng 183 tỷ đồng, Thái Bình 169 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 127 tỷ đồng, Bắc Giang 122 tỷ đồng, Phú Thọ 119 tỷ đồng, Lào Cai 116 tỷ đồng, Nghệ An 115 tỷ đồng, Ninh Bình 110 tỷ đồng, Thanh Hóa 105 tỷ đồng.
Tổng số chi trong năm 2023 là 3.612 tỷ đồng (một số địa phương có số chi cao hơn số thu do sử dụng số dư năm 2022 chuyển sang).
Nguồn kinh phí bảo tồn giá trị tâm linh
Cũng theo Bộ Tài chính, trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa hằng năm còn khiêm tốn, thì tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa là nguồn tài chính rất quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Nhiều công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với lịch sử của dân tộc được bảo tồn và phát huy. Nhiều lễ hội truyền thống tổ chức tại di tích với những nghi lễ dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc được tôn vinh, kế thừa.
Bộ Tài chính nhận định, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích đã và đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch kể từ khi Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 được ban hành.
Tại các di tích tuy có sự khác nhau về loại hình, về quy mô cũng như chủ thể quản lý nhưng có điểm chung là người đại diện hoặc ban quản lý di tích đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp nhận, kiểm đếm và quản lý thu chi, bảo đảm công khai, minh bạch; việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản quét mã QR đang phát triển nhanh, được nhiều người lựa chọn như một thói quen khi đến di tích; Việc tổ chức lễ hội tại di tích có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban tổ chức lễ hội; Kinh phí tổ chức lễ hội chủ yếu từ nguồn công đức, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và nguồn thu từ hoạt động dịch vụ trong khu vực tổ chức lễ hội. Việc sử dụng ngân sách nhà nước (nếu có) chỉ còn hỗ trợ đối với hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ hội truyền thống nhằm duy trì các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân.
Cần quản lý chặt chẽ các khoản thu chi tiền công đức. Ảnh: VNE
Một số mặt hạn chế
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khó khăn trong công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa tại các địa phương. Trong đó, đa số báo cáo của địa phương cho rằng số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ.
Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31% tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo; trong số này có nhiều chùa thuộc sở hữu chung của cộng đồng đã được UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê để phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích không báo cáo. Tại các di tích là đền, chùa có đặt đĩa, đặt khay trên các ban thờ khiến du khách đặt nhiều loại tiền lộn xộn, không chỉ làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự mà còn gây lòng tham cho người khác. Việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, để thất thoát, trộm cắp;...
Theo Bộ Tài chính, việc lần đầu tiên thực hiện kiểm tra tổng thể về quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc đã giúp cho các địa phương có cơ sở thực tiễn để đánh giá toàn diện về hoạt động này. Với kết quả đạt được và những hạn chế, khó khăn đan xen trong việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích, Bộ Tài chính đã rút ra một số bài học kinh nghiệm về quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa.
“Qua đợt kiểm tra này, ngoài việc giúp cho các tổ chức, cá nhân tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, còn cung cấp tương đối đầy đủ thông tin về số lượng di tích lịch sử - văn hóa, về quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích. Qua đó, mỗi cơ quan, tổ chức nhìn nhận, đánh giá khách quan để có giải pháp thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ về xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc.”- Báo cáo của Bộ Tài chính nhấn mạnh.