Trước tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, tỉnh Cà Mau đang tranh thủ nguồn vốn đầu tư của trung ương để tích cực triển khai di dời khoảng 500 hộ dân vào nơi ở mới an toàn.
Theo báo VTV, do tình hình sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, tỉnh Cà Mau đang tranh thủ nguồn vốn đầu tư của trung ương để tích cực triển khai xây dựng các cụm, tuyến tái định cư cho khoảng 500 hộ dân sinh sống tại cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi và cửa biển Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển. Đây đều là những khu vực có nguy cơ sạt lở cao trong tỉnh.
Thời gian qua, do gặp khó khăn vốn nên tỉnh Cà Mau mới chỉ bố trí di dời được khoảng 1.000 hộ dân ở các vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai cao vào khu dân cư sinh sống ổn định.
Nhiều ngôi nhà xây cất ven sông, ven biển ở Cà Mau đang bị đe dọa trước nguy cơ sạt lở và nước dâng cao. (Ảnh: TTXVN) |
TTXVN đưa tin, trong mùa bão năm nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân ở các huyện ven biển. Chỉ tính riêng tuần gần đây, toàn tỉnh có 3 vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại hai huyện Năm Căn và Đầm Dơi. Tuy các vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng nó làm tổn thất nhiều tài sản của bốn hộ dân nơi đây.
Theo cơ quan chức năng tỉnh cảnh báo, điểm này hiện đang đứng trước nguy cơ tiếp tục sạt lở, có khả năng đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân cư ngụ ven sông Cửa Lớn. Ngoài ra, tại ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng còn xảy ra sạt lở đất tuyến lộ Trưởng Đạo có chiều dài đến 30 m.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, mưa lớn trên diện rộng là nguyên nhân gây nên nhiều vụ sạt lở, sụt lún đất trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 540 m đất bị sạt lở, 43 m bờ bị bể gây ngập tràn làm ảnh hưởng hơn 320 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Hiện, cơ quan chức năng tỉnh vẫn chưa có con số thống kê chính xác về thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trước sự việc này, chính quyền các địa phương cũng rất nỗ lực trong việc hỗ trợ các hộ dân khắc phục hậu quả của thiên tai để sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.
(Tổng hợp)