Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Buôn lậu vùng biên trước giờ “mở cửa”: Sóng ngầm dưới dòng Ka Long

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trước khi mở cửa khẩu quốc tế Móng Cái, TP. Móng Cái, Quảng Ninh, việc buôn bán với nước bạn qua biên giới rất khó khăn, phần lớn là hoạt động của dân buôn lậu.

(ĐSPL) - Trước khi mở cửa khẩu quốc tế Móng Cái, TP. Móng Cái, Quảng Ninh, việc buôn bán với nước bạn qua biên giới rất khó khăn, phần lớn là hoạt động của dân buôn lậu. Nhưng, vì cuộc sống, nhiều người dân vẫn liều mình vận chuyển hàng cấm, nhiều phi vụ buôn lậu phải trả bằng máu và nước mắt, thậm chí cả tính mạng.

Những chuyến hàng vượt “cửa tử”

Trước những năm 1998, việc thông thương với nước bạn bị hạn chế, nhưng vì miếng cơm manh áo, người dân vùng biên vẫn lén lút hoạt động. Đó là thời kỳ tình hình buôn lậu phức tạp và bát nháo nhất ở vùng biên này.

Bà Nguyễn Thị L. ở thôn Nam, xã Vạn Ninh là người đã từng một thời đem hàng hóa qua biên giới bán, cho biết: “Dẫu biết rằng, Nhà nước đã có chính sách “hạn chế” việc buôn bán với nước ngoài, nhưng vì đói nghèo quá nên người dân vẫn phải làm. Thời kỳ đó, các mặt hàng buôn bán rất đơn giản. Đó là các nguồn lợi được khai thác từ biển như tôm, cua, cá, sò huyết và con ngán. Hay những cây trồng, vật nuôi do người dân tự trồng đều mang sang Trung Quốc bán. Bán được giá cao hơn nên họ đã mạo hiểm cả tính mạng mình để vượt biên đi buôn”.

Bà Nguyễn Thị L. thôn Nam kể lại thời kỳ buôn lậu trước khi mở cửa khẩu.

Thời kỳ đó, việc tự ý vượt biên giới ra nước ngoài là cực kỳ khó khăn chứ đừng nói chuyện vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, các lái buôn đã tìm đủ cách để vi phạm. Con đường sông Bắc Luân và sông Ka Long “lặng sóng kín gió”, yên tĩnh là nơi diễn ra những cơn “sóng ngầm buôn lậu”. Con sông được giới buôn lậu canh phòng rất nghiêm ngặt. Để trốn tránh lực lượng chức năng, thương lái đã tận dụng những lúc các ngành chức năng mất cảnh giác để vận chuyển hàng. Đó là lúc chập tối, hay đêm đen hoặc lúc tờ mờ sáng. Họ am hiểu địa hình sông nước, có thể nắm rõ độ sâu của từng khúc sông, con nước, nên tẩu tán hàng hóa rất nhanh.

“Trong buôn lậu, chẳng chủ nào dám khẳng định mình không bị phát hiện. Chính vì vậy, chúng tôi đã rất linh hoạt trong cách thức vận chuyển. Trong nhiều tình huống, chúng tôi đã tùy cơ ứng biến. Bằng những kinh nghiệm đó, những chuyến hàng lậu đã lặng lẽ được chuyển qua sông”, bà L. nói.

Sông Ka Long là nơi thuận tiện vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nguồn: Internet

Theo giới buôn lậu ngày đó kể lại thì, chuyến hàng qua được sông chỉ mới thoát được cửa ải thứ nhất. Cửa ải thứ hai còn nguy hiểm hơn. Đó là quãng đường vượt núi đồi ra nước ngoài. Việc vận chuyển hàng hóa phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt, xương máu và cả tính mạng. Trên những con đường đến địa điểm giao hàng là chằng chịt những cái bẫy của thổ phỉ và cướp giật. Lái buôn là “con mồi” được chúng “săn đón”. Gặp chúng, nhẹ thì bị trấn lột tiền và hàng, nặng thì bị chúng cướp, rồi giết người phi tang. Cướp và thổ phỉ thường ra tay dã man hơn đối với lái buôn nữ. Nhiều người bị chúng cướp hàng rồi hiếp, thậm trí phi tang. Đó là thời kỳ buôn lậu kinh hoàng và ám ảnh nhất vùng biên.

Bà L. cho biết thêm, ngày đó, chưa bao giờ bà dám chuyển hàng lậu một mình. Mỗi lần vận chuyển hàng hóa, bà thường rủ rất nhiều người cùng thực hiện. “Chúng tôi tập hợp nhau lại thành một nhóm. Khi vận chuyển hàng trót lọt qua cửa ải của lực lượng chức năng, cả nhóm mới hẹn nhau tại một điểm đã định sẵn trong rừng. Sau đó, cùng vận chuyển đến địa điểm giao hàng. Chính vì đi buôn theo nhóm như vậy, chúng tôi có thể bảo vệ cho nhau. Nếu đi một mình, có lẽ tôi đã trở thành nạn nhân của những tên cướp giật và thổ phỉ”, bà L. nói.

Phi vụ “1 vốn 4 lời”

Ông Hoàng Văn T. hiện đang làm chủ buôn bán các mặt hàng điện tử tại Móng Cái kể về quá khứ buôn lậu của mình: “Tôi là người đến vùng biên này trước khi cửa khẩu mở cửa thông thương buôn bán hàng hoá với nước bạn. ở quê nghèo đói quá, tôi đã bỏ xứ ra đi. Đầu những năm 80, tôi đưa cả vợ con ra Móng Cái để tìm cuộc sống mới. Thấy người dân địa phương đi buôn bán, tôi cũng theo họ. Tôi cũng đi đánh bắt cá ở biển rồi đem sang Trung Quốc bán. Thời kỳ đó, buôn bán qua biên giới đem lại lợi nhuận cao nên nhiều người ham”.

Khi đã tích lũy được một số vốn lớn, ông T. đứng ra thu mua sản phẩm tôm, cá của người dân địa phương. ông thuê cửu vạn là những người to cao, khỏe mạnh để có thể vận chuyển và bảo vệ hàng hóa. Mỗi chuyến hàng, trừ hết kinh phí, ông T. được lãi gấp đôi vốn bỏ ra. Giao hàng xong, ông T. lại mua các mặt hàng của nước bạn đem về Việt Nam bán.

Đó là các loại hàng được ưa chuộng thời bấy giờ như: Chăn trấn thủ, đồng hồ quả lắc, đèn pin, đài băng đĩa... Ngoài ra, ông còn buôn cả thuốc giun (loại thuốc cấm thời bấy giờ). Đến những năm 1981 – 1982, người dân Việt Nam rộ lên mốt sử dụng đồng hồ SK. Mỗi chiếc đồng hồ SK trị giá 1 chỉ vàng, ông T. đã kiếm được bộn tiền nhờ buôn bán mặt hàng xa xỉ này. “Tôi đã từng một thời buôn “hàng cáy”. Đó là các mặt hàng điện tử của các nước phát triển thải, Trung Quốc mua lại để sửa chữa rồi bán lại cho Việt Nam. Tôi đã kiếm được rất nhiều tiền từ việc buôn bán mặt hàng này. Thời kỳ đó, tôi bỏ 1 đồng để mua hàng hóa của người dân, bán sang Trung Quốc được 2 đồng, mua lại sản phẩm của họ về bán tại Việt Nam được lãi gấp đôi. Như vậy, tôi chỉ bỏ 1 đồng vốn mà thu lại 4 đồng. Nếu quy đổi tiền Trung ra tiền Việt thì số tiền lãi nhờ buôn lậu “khủng” đến mức nào rồi đấy!”, ông T. hào hứng khoe về thời kỳ hoàng kim của mình.

“Vùng đất nóng”

Ông Nguyễn Quang Vinh, người đã từng nhiều năm làm bộ đội biên phòng ở Móng Cái cho biết: “Trước khi cửa khẩu thông thương, việc buôn bán khá hạn hẹp do hai bên đều có quy định riêng. Hơn nữa, giao thông khó khăn, phương tiện giao thông hạn chế nên hoạt động buôn bán chủ yếu diễn ra nhỏ lẻ, tự phát, rất khó quản lý. Mặc dù lực lượng chức năng đã kiên quyết xử lý các trường hợp buôn lậu, nhưng vì địa hình phức tạp nên rất khó truy quét, hơn nữa, họ sẵn sàng bỏ của chạy lấy người. “Vì đây là địa bàn có địa hình phức tạp, đa dạng sắc tộc nên việc quản lý buôn lậu cũng phải rất khéo léo. Người quản lý phải am hiểu được phong tục, tập quán và cuộc sống của người dân mới mong vận động được họ không buôn bán hàng lậu nữa”, ông Vinh nói.

Việc quản lý buôn lậu chỉ thực sự đi vào nề nếp khi cửa khẩu Móng Cái được thông thương. Năm 1996, Chính phủ Việt Nam bắt đầu tiến hành thí điểm xây dựng khu kinh tế Móng Cái thông qua việc phê duyệt một số cơ chế ưu đãi cho khu kinh tế này. “Từ đó, việc giao lưu buôn bán được khuyến khích. Người dân được tự do giao lưu buôn bán. Tuy rằng, việc buôn bán ở vùng biên vẫn còn rất nhiều khó khăn và phức tạp”, ông Vinh nói.

Từ khi mở cửa khẩu quốc tế Móng Cái, vùng đất khắc nghiệt ngày nào đã trở thành “miền đất hứa”. Người dân khắp các nơi đã đổ xô về đây buôn bán. Mảnh đất hoang vắng giờ đã mọc lên nhan nhản các tòa nhà cao tầng. Những chiếc xe sang Lamborghini, Rolls Royce, Range Rover, Bentley, BMW, Lexus... xuất hiện càng nhiều ở thành phố biên ải này.

Tuy nhiên, miền đất hứa này vẫn luôn là “vùng đất nóng” với những phi vụ buôn lậu cực khủng liên tục bị các cơ quan chức năng triệt phá. Trong đó, vụ bắt giữ trùm buôn lậu Lương Quang Thắng (tức Thắng “cành”) hôm 2/11 mới đây cho thấy hoạt động buôn lậu trên địa bàn này ngày càng phức tạp cả về quy mô tổ chức lẫn “cơ chế móc ngoặc” với một số cán bộ thuộc các cơ quan chức năng... Điều này đang là thách thức không nhỏ đối với chính quyền địa phương.

Nhiều người bỏ mạng giữa rừng sâu

Bà Nguyễn Thị L. cho biết: “Thời kỳ đi buôn lậu trước khi mở cửa khẩu thật khủng khiếp. Đó là những hiểm nguy từ rừng thiêng nước độc, cướp giật và thổ phỉ. Những chuyến hàng phải đổi bằng mồ hôi, xương máu, thậm chí cả tính mạng. Nhưng vì miếng cơm, manh áo, người dân vẫn liều mình đi buôn lậu”.

Tin nổi bật