U19 Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc về mọi mặt được thể hiện qua thành công tại giải U19 Đông Nam Á 2014 - Cúp Nutifood. Từ thể lực, chiến thuật, khả năng chống bóng bổng tới tâm lý, tất cả đều tăng tiến rõ rệt.
|
U19 Việt Nam đã có thể chơi sòng phẳng trước đối thủ có thể lực và thể hình tốt như Australia. |
Thể lực: Chạy tới những phút cuối cùng
Thể lực đã luôn là vấn đề lớn nhất của U19 Việt Nam trong suốt hơn một năm qua. Huấn luyện viên Guillaume Graechen thậm chí từng bị báo giới chất vấn bởi điểm yếu thể lực của đội tuyển. Trong cuộc họp báo trước giải U19 Đông Nam Á tại Hà Nội, ông Graechen tuyên bố: “Hiện tại, các cầu thủ vẫn đang tập luyện. Trong vòng một tháng nữa, các bạn sẽ thấy sức mạnh của đội tuyển”.
Nhưng một tháng có lẽ là quá nhiều. Huấn luyện viên Graechen có thể đã hơi khiêm tốn. Sự thay đổi của U19 Việt Nam đã được nhìn ra ngay trong các trận đấu của giải U19 quốc tế tại Hà Nội.
Đối mặt với U19 Australia, các cầu thủ áo trắng đã quần đối thủ mệt nhoài suốt 90 phút trước khi Công Phượng vung chân, tung cú dứt điểm để đời. Trước U19 Myanmar, U19 Việt Nam thể hiện hình ảnh hoàn toàn khác biệt so với lúc ở Brunei. Nếu ở Brunei, đội bóng đuối sức rõ ràng trong khoảng 20 phút cuối trước khi nhận thất bại 3-4 thì ở Hà Nội, U19 Việt Nam chơi thăng hoa để thắng lại đối thủ 4-1. Từ một đội bóng yếu về thể lực, U19 Việt Nam đã có thể chơi ngang ngửa với những đội bóng "thể lực châu Âu" như Australia hay quần tơi tả đối thủ được coi là khỏe nhất Đông Nam Á như Myanmar.
Chiến thuật thay đổi thích nghi với từng đối thủ
Trận gặp U19 Nhật Bản ở chung kết, U19 Việt Nam lần đầu tiên thể hiện một hình ảnh khác biệt. Các học trò của ông Graechen không tấn công dồn dập, không lên bóng liên tục. Họ chơi chậm, chắc, giữ vững quyền kiểm soát sân nhà và cố gắng hạn chế lối đá của đối thủ.
Đó là lần đầu tiên U19 Việt Nam biết kiểm soát lối chơi và thích nghi với một đối thủ có phong cách tương đồng với mình. Trước những đối thủ mạnh hơn, U19 Việt Nam đã biết bình tĩnh hơn, kiềm chế mình và cố gắng giữ thế trận. Đó là lý do giải thích việc đội bóng đã không bị vỡ trận và chỉ phải nhận một bàn thua duy nhất.
|
Trước U19 Nhật Bản, đội bóng áo trắng đã có những thay đổi và thích nghi về chiến thuật hiệu quả. |
Khả năng chống bóng bổng
Khả năng không chiến của hàng thủ U19 Việt Nam chính là sự khác biệt ở giải đấu lần này. Sau rất nhiều sự lựa chọn, thầy “Giôm” đã có thể xoa tay hài lòng với bộ đôi Tiến Dũng - Đông Triều. Quan trọng hơn, tư duy chiến thuật và khả năng bắt người của từng cầu thủ đã có sự cải thiện rõ rệt.
Khi không thể xoay chuyển bất lợi về ngoại hình, từng cầu thủ U19 Việt Nam đã có ý thức cải thiện kỹ thuật, khả năng chọn vị trí. Tại giải U19 Đông Nam Á vừa qua, hàng thủ U19 Việt Nam đã không phải nhận bất kỳ một bàn thua nào từ bóng bổng. Đó là một sự tiến bộ tuyệt vời bởi chỉ riêng trong trận chung kết Cúp Hassanal Bolkial 2014 với U19 Myanmar, hàng thủ Việt Nam đã phải nhận hai bàn thua từ bóng bổng.
Tâm lý thi đấu: Vững vàng suốt 90 phút
Trước đây, U19 Việt Nam thường bị chê là kém tâm lý khi liên tục để đối thủ thắng ngược hoặc bị thủng lưới ở cuối trận. Nhưng tại giải đấu tổ chức trên sân Mỹ Đình, nhược điểm đó đã được khắc phục triệt để.
|
U19 Việt Nam từng thua thảm Myanmar vì tâm lý kém tại giải đấu ở Brunei. |
Trận gặp U19 Australia, Công Phượng ghi bàn ở phút 88. Đó là một bản thắng thể hiện sự bình tĩnh và tự tin tuyệt vời. Nó càng ý nghĩa hơn bởi phút 88 là thời điểm thể lực, sức bền của mỗi cầu thủ đã bị hao mòn. Người ta phải bình tĩnh lắm mới có thể thực hiện cú dứt điểm ấy. Sang trận gặp Nhật Bản, U19 Việt Nam tiếp tục có một bàn thắng nữa ở phút 90. Đến chung kết, đội bóng áo đỏ cũng chơi rất tốt, không hề bối rối trước đối thủ mạnh hơn và chỉ chịu thua vì cú dứt điểm của Genta ở phút 76.
Thể lực cải thiện là nguyên nhân quan trọng mang tới tâm lý tự tin cho đội bóng. Một khi thể lực được tăng cường, các cầu thủ mới có nền tảng để thực hiện các động tác khó, khai triển những chiến thuật của huấn luyện viên. Tâm lý của U19 Việt Nam tiến bộ là vì thế.