Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bóc mẽ chiêu “hô biến” trà rởm thành trà thương hiệu thu bạc tỷ

(DS&PL) -

Sau một thời gian điều tra, PV báo Người Đưa Tin đã bóc trần chiêu thức “hô biến” trà không rõ nguồn gốc thành trà thương hiệu Thái Nguyên, Lâm Đồng.

Sau một thời gian điều tra, PV báo Người Đưa Tin đã bóc trần chiêu thức “hô biến” trà không rõ nguồn gốc thành trà thương hiệu Thái Nguyên, Lâm Đồng.

Bát nháo thị trường trà rởm

Hiện nay trên thị trường, ngoài các loại trà được bán theo cân, lạng, không bao bì, nhãn mác, còn xuất hiện nhiều loại nhái thương hiệu “” (tỉnh Thái Nguyên), “Bảo Lộc” (tỉnh Lâm Đồng)... Tuy nhiên, các sản phẩm này không hề có tên cơ sở sản xuất, địa chỉ liên lạc, xuất xứ... Là “đặc sản” nhưng trà được bày bán trên vỉa hè các tuyến đường tại TP.HCM.

Tình trạng này dễ bắt gặp trên Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Bình Chánh, đường Trường Chinh, Cộng Hòa (quận Tân Bình, Tân Phú)... Trên đường Cộng Hòa, khi PV dừng xe, người phụ nữ trạc 50 tuổi, nói giọng Bắc chào mời đon đả: “Trà này là của Thái Nguyên, ngon vô cùng nhưng giá rẻ. Nếu bán trong cửa hàng phải chịu thuế, mặt bằng, thuê nhân viên... nên giá cao. Mua ở đây giá chỉ bằng một nửa”.

Quan sát, PV nhận thấy các loại bao bì sản phẩm được thiết kế bằng giấy bạc trông rất bắt mắt. Bao bì nhãn hiệu ghi rõ “Trà đặc sản Thái Nguyên” nhưng không hề thấy địa chỉ cơ sở sản xuất. Khi PV thắc mắc, người phụ nữ này cho biết: “Ở ngoài đó, người ta cứ lấy chung là trà Thái Nguyên thôi”.

Loại trà này được người bán rao giá 120.000 đồng/kg, muốn lấy bao nhiêu cũng có. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, nếu đúng trà Thái Nguyên, các sản phẩm như: Trà móc câu, nõn tôm, búp... có giá không dưới 400.000 đồng/kg.

Người bán rao giá 120.000 đồng/kg trà, muốn lấy bao nhiêu cũng có.

Tương tự, tại nhiều chợ truyền thống, người có nhu cầu cũng dễ dàng tìm mua các loại trà trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngoài ra, trên các trang mạng cũng chào bán tràn lan trà đặc sản Tân Cương (tỉnh Thái Nguyên), Thái Nguyên, Bảo Lộc... Tuy nhiên, ngoại trừ những website chính thức của một số công ty, nhà phân phối lớn, uy tín, đa số các trang còn lại đều “tù mù” về chất lượng, nguồn gốc.

Những người từng làm trà bẩn tại TP.HCM cho biết, hiện nay, rất dễ mua nguyên liệu trà trôi nổi. Nếu lấy số lượng lớn, giá nguyên liệu này chỉ khoảng từ 30.000–40.000 đồng/kg. Loại trà này đóng thành phẩm, giả các thương hiệu uy tín khó bán nên các đối tượng áp dụng “nguyên tắc vàng” là trộn thêm trà ngon theo tỉ lệ 30/70 (70% trà không rõ nguồn gốc) rồi đóng gói, phân phối ra thị trường. Làm như vậy vừa khó bị phát hiện, vừa cung ứng được lâu dài.

Tìm hiểu thực tế, PV nhận thấy việc chế biến và đóng gói các loại trà không rõ nguồn gốc, trôi nổi thành sản phẩm thương hiệu không mấy khó khăn. Ngoài máy phát điện, cân đồng hồ, bình hơi... dễ dàng tìm mua ở bất cứ nơi đâu, các loại máy móc khác dùng để “sản xuất” trà kiểu này cũng có thể mua được mà không cần bất cứ giấy tờ gì.

Số máy, móc trang thiết bị và kho nguyên liệu của đường đây sản xuất trà giả.

Trong vai người đang chuẩn bị sản xuất trà rởm, PV tiếp cận một đầu mối từng cung cấp trà cho thị trường các tỉnh miền Tây. Người này cho biết: “Ngoài một số máy móc như anh đề cập, để sản xuất trà kém chất lượng chỉ cần thêm máy tuôn trà hay còn gọi là máy chiết và một máy ép bọc (dùng để đóng gói). Bởi, trà nguyên liệu có người cung cấp tận nơi hoặc thu gom từ các cơ sở. Sau đó, ta chỉ cần sơ chế, thậm chí, nhiều nơi để vậy đóng gói thành phẩm luôn, không qua khâu sơ chế lại”.

“Nếu sản xuất quy mô lớn cần mua thêm máy đóng gói trà tự động. Vì thế việc sản xuất hàng loạt, số lượng lớn là không thành vấn đề. Trong khi đó, mình không hề tốn công sức cho việc chế biến trà từ đầu, không tốn nhân công, vận chuyển... Chỉ cần vài ba công lao động và số máy móc nói trên, chúng ta có thể biến trà “chợ trời” thành bất cứ sản phẩm nổi tiếng nào”, người này cho biết thêm.

Chi phí thấp, lợi nhuận “khủng”

Để kiểm chứng thông tin, PV dễ dàng mua được các loại máy móc nói trên mà không cần phải có bất cứ loại giấy phép nào. Thậm chí, nếu mua máy không lấy hóa đơn, giá còn rẻ hơn. Tại một cơ sở chuyên cung cấp máy ép bọc, hàn miệng túi trên đường Nguyễn Lâm (quận Phú Nhuận, TP.HCM), PV được giới thiệu rất nhiều loại máy sản xuất trà từ giá rẻ, thủ công cho đến loại đắt tiền.

Ví như, máy ép đạp chân, dùng cho loại túi 8 tấc (cm) chỉ có giá 3,5 triệu đồng/chiếc. Loại máy ép liên tục, với tốc độ tới 6m/phút cho các loại bao nilon, bao bạc và các loại màng ghép phức hợp khác cũng chỉ có giá hơn 10 triệu đồng/chiếc. Nhân viên bán hàng cho biết, nếu mua máy không lấy hóa đơn  sẽ được giảm giá 10%.

Tương tự, mua máy đóng gói trà tự động cũng hết sức dễ dàng. Điển hình, tại một điểm cung cấp máy móc ở quận Bình Tân, chủ cơ sở cho biết, hiện đang có 2 loại máy đóng gói trà tự động.

Nếu loại thường có giá thành 170 triệu đồng/chiếc, công suất 40 túi/phút thì loại máy cao cấp, hoạt động liên tục có giá 320 triệu đồng/chiếc, không giới hạn về công suất, có thể làm bao nhiêu cũng được và thông thường là hơn 100 túi/phút.

Theo nhẩm tính của PV, chi phí đầu tư cho một “dây chuyền” sản xuất trà giả với quy mô nhỏ chưa đầy 50 triệu đồng. Ở dây chuyền này, mỗi ngày, người làm giả có thể tuồn ra thị trường 100kg trà rởm. Nếu dùng máy đóng gói trà tự động, người làm giả có thể sản xuất số lượng trà rởm tùy thích trong một ngày. Chi phí đầu vào thấp như vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy lợi nhuận “kếch xù” được thu về.

Một vụ sản xuất trà giả bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Vụ việc Công an TP.Cần Thơ vừa đánh sập một đường dây trà rởm là minh chứng cho thông tin các đường dây sản xuất trà giả thu về lợi nhuận khủng. Đường dây trà rởm không rõ nguồn gốc này do Lưu Ngọc Vinh cầm đầu, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 100kg. Trong thời gian chưa đầy 2 năm, các đối tượng đã thu về hơn 8,4 tỷ đồng.

Vinh khai nhận, thấy các loại trà có thương hiệu dễ tiêu thụ nên đã , thiết bị, bao bì, nhãn mác và trà nguyên liệu. Sau đó, Vinh thuê nhân công “sản xuất” trà giả các thương hiệu của Thái Nguyên và Lâm Đồng.

Theo đó, Vinh thu mua trà không rõ nguồn gốc từ TP.Hà Nội, Lâm Đồng, TP.HCM rồi mang về kho ở TP.Cần Thơ. Tại đây, Vinh cho người sang chiết, trộn, dùng máy đóng gói. Bao bì, nhãn mác, Vinh giao cho vợ chồng Nguyễn Tiến Thắng đảm nhận.

Để trà ra thị trường tại các tỉnh miền Tây, Vinh giao cho các đầu mối như Phạm Quang Phương Đoàn, Huỳnh Văn Giàu... phân phối.

Mới đây nhất, Công an tỉnh Kiên Giang cũng đã bắt quả tang và tạm giữ 11.550 gói trà giả nhãn hiệu nổi tiếng do ông Trần Ngọc Chung (ngụ TP.Rạch Giá) tổ chức sản xuất, đóng gói. Ông Chung khai nhận đã mua máy móc thiết bị và tổ chức sản xuất từ đầu năm 2017 đến nay, bán tại các tỉnh miền Tây, thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Nhiều cơ sở vi phạm

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Đối với trà nói riêng và lĩnh vực thực phẩm nói chung, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra trên 500 cơ sở tại các chợ và tuyến đường, phát hiện 443 cơ sở vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, hàng hết hạn sử dụng, nhãn không ghi đúng thực tế… Thậm chí, nhiều trường hợp không có giấy phép, chứng nhận đăng ký kinh doanh và điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh doanh không đúng địa chỉ".

Dương Thanh Tùng

Tin nổi bật