Chính phủ Mỹ nói rằng, tòa án liên bang đã mắc sai lầm khi ngăn chặn việc thực thi lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump.
"Sắc lệnh hành pháp là một hành động hợp pháp theo thẩm quyền của tổng thống về việc người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ và việc tiếp nhận người tị nạn", Vnexpress dẫn lời các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong bản tóm tắt gửi Tòa Kháng cáo Khu vực 9 của Mỹ (The Ninth Circuit Court of Appeals)
"Vì vậy, tòa án liên bang mắc sai lầm khi ra lệnh cấm thực thi sắc lệnh. Trong khi đôi chút nới lỏng là phù hợp, lệnh cấm áp dụng trên toàn quốc là quá rộng", bản tóm tắt viết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP. |
Chính phủ Mỹ một lần nữa đề nghị khôi phục lệnh cấm. Một phiên tòa dự kiến được ba thẩm phán liên bang ở bờ tây nước Mỹ thực hiện qua điện thoại chiều 7/2 để xác định số phận lệnh cấm thực thi trên toàn quốc sắc lệnh của ông Donald Trump. Tòa án sẽ công bố bản ghi âm cuộc tranh luận miệng ngay sau khi nó kết thúc.
Theo New York Times, việc tổ chức tranh luận miệng qua điện thoại trong một phiên xử lớn là điều rất bất thường. Cuộc chiến pháp lý có thể lên tới tòa án tối cao.
Chính quyền Tổng thống Trump đang yêu cầu Tòa án phúc thẩm ở San Francisco bác phán quyết của thẩm phán James Robart ở Seattle, bang Washington ngày 2/2, trong đó cho rằng sắc lệnh của ông Trump có thể gây thiệt hại đối với nhiều người dân Mỹ cũng như nền kinh tế. Đơn kiện do Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson khởi xướng đã nhận được nhiều sự ủng hộ của bang Minnesota, TTXVN đưa tin.
Bang Washington và Minnesota có hạn chót là sáng 6/2 (giờ địa phương) để đưa ra lập luận trong khi thời hạn của Bộ Tư pháp Mỹ là vào 15 giờ 6/2 (giờ địa phương) để đưa ra lập luận cuối cùng. Bên thua kiện có thể đẩy vụ kiện lên Tòa án Tối cao.
Nếu chính phủ liên bang không thuyết phục được toà án phúc thẩm ngăn chặn phán quyết của thẩm phán Robart, Toà án tối cao có thể phải can thiệp. Cần có 5/8 thẩm phán bỏ phiếu thuận để đảo ngược quyết định này.
Giáo sư Kathleen Kim tại Đại học Luật Loyola tại Los Angeles nhận định rằng vụ kiện sẽ không được Toà án tối cao can thiệp: “Tôi tin rằng Toà án Tối cao muốn duy trì sự toàn vẹn như một hệ thống luật pháp có chức năng kiểm tra và cân bằng, toà sẽ không tiếp nhận đơn kháng cáo”.
Tuy nhiên, trước khi tới được Toà án Tối cao, cần xét tới Toà phúc thẩm ở San Francisco bởi toà án này rất khó dự đoán. Toà án này có thẩm quyền ở hầu hết khu vực phía Tây nước Mỹ, gồm có bang Alaska, Arizona, California, Hawaii, Idaho, Montana, Nevada, Oregon và Washington, chiếm khoảng 20% dân số Mỹ. Phần đông thẩm phán của toà này do các tổng thống đảng Dân chủ bổ nhiệm.
Trước đó, gần 100 công ty, trong đó có Apple, Facebook, Google, hối thúc Tòa Kháng cáo Khu vực 9 của Mỹ tiếp tục chặn sắc lệnh của ông Trump, cho rằng nó "gây hại đến khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ".
Ông Trump cuối tháng trước ký sắc lệnh cấm công dân từ 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày và cấm người tị nạn trong 120 ngày. Mỹ cũng ngừng nhận người tị nạn Syria vô thời hạn.
(Tổng hợp)