Báo Vietnamnet đưa tin, ngày 2/11, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại Quốc hội, ngày 2/11. Ảnh: Media Quốc hội
Về chính sách tài khóa, Chính phủ thực hiện “chính sách tài khóa mở rộng”, nghĩa là tài khóa thâm hụt, giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách.
Trong 3 năm qua, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ, trình Quốc hội giảm nhiều loại thuế, tiền thuế đất. Năm 2021 giảm 132.400 tỷ đồng, năm 2022 giảm 233.000 tỷ đồng và năm nay dự kiến giảm khoảng 200.000 tỷ đồng.
Khẳng định đây là một nỗ lực rất lớn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sau giảm thuế, vẫn phải đảm bảo cán cân tài khóa, đưa vào nền kinh tế nguồn lực 347.000 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Đề cập đến dự toán ngân sách năm 2023, theo ông Phớc, đến ngày 30/10 thu ngân sách đã đạt 85%, tương đương 1,36 triệu tỷ đồng.
Liên quan đến đề nghị giảm thuế VAT 2% cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ, Bộ trưởng Tài chính cho biết, theo đúng Nghị quyết 43 một số ngành nghề không được giảm, chẳng hạn như kinh doanh tài chính, viễn thông, chứng khoán, ngân hàng… “Rõ ràng, nếu giảm nhiều quá cũng gây áp lực lên ngân sách”, ông Phớc nhấn mạnh.
Trước ý kiến đề nghị phải giảm chi thường xuyên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lại có quan điểm khác là phải giảm chi đầu tư, tiết kiệm trong đầu tư, không để lãng phí, thất thoát, đầu tư là phải có hiệu quả.
“Chúng tôi tính toán có những bộ, ngành riêng tiền lương, phụ cấp lương (chi thường xuyên) chiếm trên 66%, không có gì để tiết kiệm. Bây giờ bộ ngành tiếp khách rất ít, đi công tác cũng ít, cho nên cũng không nên đặt vấn đề này nhiều”, ông Phớc nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giải trình, làm rõ vấn đề khá nóng là hoàn thuế VAT. Ông Phớc nói đã hoàn được 92%, giải quyết được 14.857 hồ sơ và đang giải quyết hơn 534 hồ sơ với trên 9.154 tỷ đồng. Theo quy định hoàn thuế phải có hóa đơn, chứng từ chuyển tiền, công ty xuất nhập khẩu có thêm hợp đồng, tờ khai hải quan…
Giải thích lý do hoàn thuế VAT với xuất khẩu một số ngành, hàng như gỗ, dăm gỗ, cao su bị chậm, Bộ trưởng Phớc nhắc lại các điều kiện, hồ sơ để doanh nghiệp được hoàn, gồm hoá đơn thuế VAT, chứng từ chuyển tiền. Riêng với các công ty xuất nhập khẩu, hồ sơ phải có thêm hợp đồng xuất khẩu, tờ khai hải quan.
“Thực tế, một số trường hợp vướng mắc được ngành thuế xác minh ở nước ngoài, và cơ quan thuế các nước phản hồi là không tồn tại doanh nghiệp nhập khẩu. Tức hợp đồng xuất khẩu vô hiệu, nên không thể hoàn thuế", ông Phớc thông tin.
Ông cũng nhắc lại bài học trong quản lý thuế xảy ra tại Công ty Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) khiến nhiều cán bộ Cục thuế TP.HCM vướng lao lý, nên "phải thực hiện đúng theo quy định của luật".
Theo Luật Quản lý thuế, nếu hoàn trước, kiểm tra sau thì thời gian là 6 ngày; còn kiểm tra trước, hoàn sau là 40 ngày. Bộ trưởng Tài chính khẳng định, nếu kiểm tra, rà soát theo Luật Quản lý thuế, và xác minh người bán cuối cùng, cán bộ thuế không vi phạm, "chúng tôi thực hiện hoàn ngay".
“Việc này là bài học đau xót. Riêng vụ nhà Thủ Đức House, Cục Thuế TP.HCM đã có 18 người đi tù. Riêng cục phó phải đi tù 4 năm dù không lấy đồng nào, chỉ làm sai thôi. Nếu Luật Thuế nói hoàn thuế chỉ xác minh người bán cuối cùng, cán bộ thuế không vi phạm thì chúng tôi thực hiện ngay", báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Phớc nói thêm.
Vân Anh (T/h)