Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, từ vụ tai nạn do xe container gây ra tại Long An, thời gian tới bộ sẽ siết lại đào tạo, sát hạch lái xe, đặc biệt với lái xe đặc thù như container.
Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Báo Tiền Phong |
Phát biểu tại tổng kết hoạt động năm 2018 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam chiều 3/1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, qua xem video ghi lại cảnh xe container gây tai nạn tại Long An (vào chiều 2/1), rõ ràng xe không có dấu hiệu dừng lại, mà chỉ đánh lái tránh ô tô và đâm vào một loạt xe máy dừng đèn đỏ ở làn bên cạnh. Do đó, nguyên nhân dẫn tới tai nạn ra sao, như do dùng rượu, dùng heroin hay lơ đễnh… gì đó phải đợi kết luận của cơ quan điều tra.
Về khả năng tài xế xe container gây tai nạn sử dụng rượu bia, ma tuý, theo ông Thể đề xác định không dễ. Vụ tai nạn xảy ra vào 15h, nhưng tới 23h tài xế mới ra trình diện, nên việc xác định thời điểm tai nạn lái xe ra sao cần thêm thời gian để cơ quan điều tra xác định.
Tuy nhiên, qua vụ tai nạn này, ông Thể cho biết, thời gian tới sẽ phải siết lại hoạt động kiểm tra lái xe sử dụng rượu bia, ma tuý và thời gian lái xe tối đa (không quá 4 tiếng liên tục). Qua đó quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của lái xe.
“Quan trọng là các doanh nghiệp vận tải phải quản lý tài xế, họ là người sát sao nhất. Do đó, sẽ cần thêm biện pháp chấn chỉnh cả trách nhiệm của doanh nghiệp với lái xe”, ông Thể nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ nghiên cứu siết chặt đào tạo, thi cử và cấp bằng lái, từ xe con đến xe tải. Có thể tăng thời lượng, điều chỉnh giáo trình, tổ chức thi công khia minh bạch, ai đảm bảo mới cấp bằng. Với các loại phương tiện nguy hiểm như xe container, xe quá khổ quá tải trình độ lái xe càng phải tốt, sao cho người dân yên tâm.
Theo Bộ trưởng Thể, đây là loại hình đặc thù vì thế đang nghiên cứu có thể kiểm tra sức khoẻ thường xuyên hơn.
“Không chỉ là cấp bằng mà phải kiểm tra, rà soát liên tục, nhất là doanh nghiệp phải đánh giá về quá trình hoạt động của lái xe. Vai trò của Tổng cục Đường bộ liên quan chặt chẽ đến đào tạo, sát hạch và cấp bằng, nên các anh phải làm hết lương tâm, nếu không làm hết trách nhiệm để những ông tài xế này ra ngoài xã hội gây tai nạn chết bao nhiêu người thì lương tâm của các anh cũng có lỗi”, ông Nguyễn Văn Thể phát biểu.
"Đưa ra bộ thi lý thuyết 1.000 câu hỏi được không, để xem trình độ lý thuyết của lái xe. Ví dụ đề 100 câu mà rớt 1, 2 câu là rớt luôn, nếu không đạt thì phải học nữa, tại sao không yêu cầu gắt gao về lý thuyết rồi mới đến thực hành. Thực hành đường dài, sa hình như thực tế, ví dụ làm sa hình như đường đèo, đường xe lửa, ai không đạt cho rớt ngay. Tại sao mình không làm? Nếu mình làm được thì xã hội sẽ vỗ tay hoan hô", Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc xe container đâm hàng loạt xe máy tại Long An làm nhiều người thương vong. Ảnh: vietnamplus.vn |
Thừa nhận tai nạn giao thông không ai mong muốn, xảy ra bất kể lúc nào, bất kể ở đâu, nên không thể nói là sợ dừng đèn đỏ, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, theo Luật Giao thông đường bộ thì phải đỗ đúng khoảng cách, nếu đúng sẽ rất dài, phải 3-4 lần đèn mới hết. Các nước đỗ xe chính xác, còn mình rất sát nên chỉ đệm chân ga không tốt là đã va chạm, đạm nhầm thì tâm lý sẽ lại nhấn thêm và lao theo.
Trả lời về vấn đề làm đường tránh qua các khu đô thị, khu đông dân cư, theo Thiếu tướng Đức phải tính tới nhu cầu phát triển kinh tế vì phải có xe tải mới phát triển sản xuất. Do đó, giải pháp trước mắt được ông đưa ra là nên tính tới phương án tổ chức giao thông cho khoa học hơn, phù hợp các yếu tố sẽ giảm tai nạn bằng cách quy định xe vào theo khung giờ.
Báo cáo kết quả công tác năm 2018 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong năm 2018, bên cạnh làm tốt việc bảo trì hệ thống đường Quốc lộ trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp thì công tác an toàn giao thông, kiểm soát tải trọng xe cũng được Tổng cục chú trọng.
Để đảm bảo an toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo xử lý 322 điểm đen về mất an toàn giao thông; thay thế điều chỉnh 802 cụm biển báo, sửa chữa, bổ sung 161 km hộ lan tôn sóng…Đồng thời chỉ đạo các Cục quản lý đường bộ khu vực, các đơn vị trực thuộc phối hợp đồng bộ trong công tác kiểm soát tải trọng xe, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của chính quyền địa phương, các đơn vị chủ hàng, chủ phương tiện nên vi phạm xe quá tải đã giảm còn dưới 10%...
NGUYỄN QUỲNH (T/h)