Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng GD-ĐT nói lại về con số 34.000 tỷ đồng làm SGK

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Đầu giờ chiều nay (11/6), Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu về đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa với kinh phí 34.000 tỷ đồng.

(ĐSPL) - Đầu giờ chiều nay (11/6), Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận tiếp tục phần trả lời chất vấn, trong đó có đề cập tới đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa với kinh phí 34.000 tỷ đồng, gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Trước đó, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cho rằng Bộ trưởng đã không kiểm soát được tình hình khi Thứ trưởng trình đề án đổi mới chương trình SGK với kinh phí 34.000 tỷ đồng, đồng thời đặt câu hỏi: “Đề án của Bộ chắc chắn Bộ trưởng phải biết, trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào?”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trong đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có vấn đề kinh phí, tức là con số 34.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Luận cho biết: "Trong đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có vấn đề kinh phí, tức là con số 34.000 tỷ đồng. Vào năm 2000, Quốc hội khóa 10 khi đó đã bàn và ra nghị quyết 40 về chủ trương đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông. Đến nay, thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, chúng ta cũng nghiên cứu đổi mới sách giáo khoa".

“Chúng tôi đã thiết kế hồ sơ để trình Quốc hội, từ đó Quốc hội ra nghị quyết, chủ trương về việc đổi mới sách giáo khoa. Nội dung của dự thảo chúng tôi chuẩn bị có 3 ý lớn: Mục tiêu, tiến độ và việc tổ chức thực hiện việc đổi mới chương trình sách giáo khoa.

Tôi xin khẳng định chúng tôi không đề cập tới vấn đề kinh phí và cũng không có con số trên trong văn bản trình Quốc hội. Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật về việc trình hồ sơ như thế nào. Căn cứ lịch sử các khóa trước như thế nào, Bộ trình hồ sơ như vậy”, Bộ trưởng Luận khẳng định.

Ông Luận thông tin, theo quy trình, Bộ GD – ĐT phải thẩm định kinh phí theo quy trình văn bản của Bộ trước khi trình Chính phủ. Các bộ ngành có liên quan sẽ thẩm định khoản kinh phí đó. Sau đó Chính phủ họp, thảo luận, lấy ý kiến của Hội đồng quốc gia…, sau đó mới đưa ra kết luận.

"Do quy trình như vậy nên chúng tôi không kịp trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Chưa kể chúng tôi còn phải bổ sung một số nội dung. Sau khi xin ý kiến của Thủ tướng, chúng tôi đã có văn bản rút dự thảo đó ra khỏi kỳ họp này của Quốc hội và sẽ khẩn trương triển khai để trình Quốc hội vào kỳ họp tới'.

Về con số 34.000 tỷ đồng, ông Luận cho biết thêm: "Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về đề án, theo chương trình đối ngoại của Bộ, tôi đi công tác nước ngoài không về kịp. Khi báo cáo chính thức trước Thường vụ, không có con số 34.000 tỷ đồng. Khi Thường vụ thảo  luận, chất vấn để làm rõ một số nội dung thì được biết có vị đại biểu đã hỏi về nguồn kinh phí chúng tôi đã dự tính chưa, một đồng chí cấp Vụ của chúng tôi ngồi ở ghế sau đã trao lên một tờ giấy và con số đó chúng tôi chưa có bàn bạc, thống nhất từ trước".

"Chúng tôi đã tổ chức họp báo về con số này để làm rõ 34.000 tỷ là để làm nhiều việc, nhưng báo chí lại rút gọn lại: 34000 tỷ để đổi mới sách giáo khoa. Ở đây có lỗi kỹ thuật, gây nên sự lo lắng, băn khoăn trong nhân dân. Để xảy ra lỗi như trên, tôi với tư cách bộ trưởng Bộ GD – ĐT xin báo cáo lại sự việc để Quốc hội rõ”, Bộ trưởng Luận nói.

Bệnh thành tích vẫn còn

Nói về căn bệnh thành tích của ngành, Bộ trưởng Luận cho rằng việc nâng điểm, bệnh thành tích vẫn còn, nhưng đã giảm và có biểu hiện mới.

“Ví dụ hiện tượng cô giáo nâng điểm cho học sinh thi môn Sử trong kỳ thi vừa qua, nhiều phụ huynh, học sinh không đồng tình đã lên tiếng đấu tranh về vấn đề này.

Có những trường 100\% học sinh yếu kém nhà trường vẫn giữ nguyên, công bố rộng rãi. Như vậy, nhận thức của thầy cô và phụ huynh học sinh đã có sự thay đổi theo hướng rất tốt trong việc công bố điểm của các cháu”, Bộ trưởng Luận nói thêm.

Cùng với đó, Bộ trưởng Luận thừa nhận, số lượng trường tranh tre nứa lá trên cả nước còn khá lớn.

“Vừa qua Chính phủ đã triển khai chương trình kiên cố hóa, nhưng số lượng trường tranh tre nứa lá vẫn còn nhiều vì thiếu vốn, do thiên tai…”, ông Luận chia sẻ.

Chưa rút ngắn hệ thống giáo dục phổ thông

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng hệ thống giáo dục phổ thông (GDPT) 12 năm không phù hợp, lãng phí, cần rút ngắn.

Thế nhưng, Bộ trưởng Luận nhận định: “Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hội thảo về vấn đề này. Có ý kiến đề nghị rút xuống, nhưng cũng có ý kiến đề nghị không rút ngắn hay thay đổi vì chúng ta đòi hỏi một số năng lực, phẩm chất mà các cháu phải có. Hiện nay các cháu đang yếu, cần tăng cường khả năng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm…

Sau khi thảo luận, Trung ương quyết định giữ ổn định hệ thống 12 năm như hiện nay, tuy nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này. Xin thông tin thêm, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng sang Philippines vừa qua, Tổng thống nước này cho hay sắp tới họ cũng sẽ chuyển từ hệ 11 năm sang 12 năm.

Nói như vậy để thấy thế giới có nhiều xu hướng khác nhau và tăng hay giảm còn tùy thuộc vào mục tiêu chúng ta hướng tới”.

Khi nào phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi?

ĐB Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) chất vấn liên quan đến vấn đề thiếu vốn khi thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Bộ trưởng Luận trả lời việc bố trí vốn được tính toán cân đối giữa nhu cầu và thực trạng cơ sở vật chất của mầm non. Quá trình triển khai có những nhân tố khách quan liên quan đến thu chi sử dụng ngân sách. Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ nói rõ thêm.

“Giáo dục mầm non trong một thời gian dài chưa được quan tâm đầy đủ do nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò của ngành học này chưa hết và nguồn lực của quốc gia còn ưu tiên vào các ngành học khác.

Việc giữ trẻ ở các khu công nghiệp đã được khảo sát để nắm tình hình. Chúng tôi đang tiếp tục nắm thông tin để có đề xuất lên Thủ tướng”, Bộ trưởng Luận nhấn mạnh.

Tin nổi bật