Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

72.000 cử nhân thất nghiệp: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói gì?

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11/6, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến những vấn đề nóng bỏng nhất của ngành GD-ĐT

(ĐSPL) – Đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11/6, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến những vấn đề nóng bỏng nhất của ngành GD-ĐT hiện nay.
Nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tập trung vào các vấn đề: chất lượng đào tạo hệ đại học, dạy nghề còn thấp, chưa phù hợp yêu cầu của thị trường lao động; tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, giáo dục ĐH mới chỉ chú trọng về quy mô, số lượng mà chưa chú ý đến điều kiện bảo đảm chất lượng.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc triển khai thực hiện cải cách về giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa, công tác quản lý xuất bản sách giáo khoa và sách tham khảo.
Sau phần trả lời về chất lượng dạy và học ngoại ngữ của Bộ trưởng Luận, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nêu thực trạng gần 72.000 sinh viên (SV) tốt nghiệp ĐH mà không có việc làm hoặc làm việc không phù hợp với nghề được đào tạo, đồng thời đặt câu hỏi: “Bộ có chính sách, biện pháp gì để giải quyết thực trạng này?”.
Cùng nội dung chất vấn này, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) hỏi: “Với các nhóm giải pháp mà Bộ đưa ra thì đến năm nào mới khắc phục được những hạn chế để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước?”.
Bộ trưởng thừa nhận yếu kém
Với câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời: Trách nhiệm của Bộ trong việc để số lượng HS-SV sau tốt nghiệp ĐH-CĐ chưa có việc làm là trong thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH chú trọng về quy mô, số lượng mà chưa chú ý đến điều kiện bảo đảm chất lượng.
Thứ hai là nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi cử của các trường ĐH chủ yếu xuất phát từ khả năng hiện có của các nhà trường, tổ chức đào tạo theo khả năng mình có, chưa có đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Thứ ba là quy trình mở trường, cấp phép hoạt động cho trường còn thiếu quy định chặt chẽ, chưa theo kịp phát triển của thực tiễn trong và ngoài nước; nội dung dung đào tạo chưa chú trọng khả năng làm việc nhóm, ứng dụng CNTT, ngoại ngữ…
Yếu kém đó đã dẫn đến quy mô tuyển sinh và quy mô SV tốt nghiệp hàng năm tăng lên trong khi chất lượng đào tạo còn thấp. Bộ cùng các cơ sở giáo dục có trách nhiệm chính trong các yếu kém nói trên.
Trong thời gian qua, Bộ có nhiều giải pháp để cải thiện tình hình theo hướng hạn chế việc thành lập trường, cải tiến quy trình cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động, khắc phục tình trạng có trường được thành lâp nhưng chưa có cơ sở vật chất, chưa có thầy cô giáo mà đã có chỉ tiêu tuyển sinh, đã đào tạo.
Bộ GD-ĐT cũng đã cùng Bộ trưởng LĐ-TBXH để hai bên thống nhất nội dung, công việc cùng làm, cùng nghiên cứu, thảo luận trong cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường.
Bệnh thành tích giờ ra sao?
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nhắc lại bệnh thành tích trong giáo dục và đặt câu hỏi về tỷ lệ học sinh khá giỏi ở các bậc học có phản ánh đúng chất lượng học tập hiện nay hay không?
Bộ trưởng Luận cho rằng, Bộ không bỏ điểm sàn ĐH. Đổi mới tuyển sinh ĐH năm nay là phân ra 2-3 mức sàn, có mức sàn cao, có mức sàn thấp hơn. Nhưng mức thấp hơn này không có hạ thấp tiêu chuẩn, yêu cầu so với các năm trước để triển khai Luật Giáo dục đại học là tổ chức việc phân tầng ĐH thành các tầng khác nhau ở các mức chất lượng khác nhau.
“Trong thời gian qua, Bộ đã rà soát lại các quy định, loại bỏ các quy định đánh giá giáo viên, đánh giá cơ sở giáo dục dựa vào thành tích học tập của học sinh. Đối với bậc tiểu học, cho triển khai chương trình giảng dạy tiếng Việt mới theo công nghệ giáo dục tại hơn 40 tỉnh, TP trong cả nước.
Với chương trình này, xin hứa với đại biểu Quốc hội, các cháu học hết lớp 1 là có thể viết được đúng chính tả, học hết lớp 3 là viết được câu đúng và không tái mù.
Khi chúng ta chuyển một cách hoàn chỉnh được nền giáo dục hiện nay đang nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang chú trọng đánh giá năng lực, phẩm chất thì sẽ không còn chỗ cho không đánh giá đúng HS-SV”, Bộ trưởng Luận khẳng định.
Đại biểu Phạm Thị Hải chất vấn, qua 3 lần thực hiện cải cách giáo dục, những yếu kém của ngành vẫn tiếp tục tồn tại. Vậy đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) Bộ sắp trình QH có khắc phục được không?
Với câu hỏi này, Bộ trưởng Luận khẳng định, Bộ có niềm tin vững chắc rằng nếu triển khai nghị quyết một cách nghiêm túc, thực sự, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì tình trạng yếu kém về chất lượng, bức xúc của xã hội sẽ được giải quyết căn bản.
Đổi mới thi tốt nghiệp: Tốn kém, căng thẳng hơn?
Đại biểu ĐặngThị Mỹ Hương dẫn lời nhiều cử tri cho rằng những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua của Bộ là đánh giá HS không toàn diện, vô hình trung khiến HS học lệch, gây tốn kém thời gian, tiền bạc, gây căng thẳng cho phụ huynh, xã hội…
Bộ trưởng Luận báo cáo khái quát trước kỳ thi năm nay, số lượng môn thi tốt nghiệp bao gồm 6 môn, trong đó có 3 môn văn, toán, ngoại ngữ là bắt buộc, còn lại 3 môn do Bộ chọn trong các môn sử, địa, lý, hóa và sinh học.
Trong quá trình phân tích đánh giá thực trạng giáo dục cho đề án đổi mới thì thấy việc quy định 3 môn bắt buộc sẽ khiến các cháu học cẩn thận, đầy đủ, các trường dạy chu đáo. Với các môn lựa chọn các cháu vừa học vừa chờ đợi, dẫn đến tình trạng đối phó.
Để khắc phục tình trạng này, những đổi mới mà Bộ đưa ra không xem xét tốt nghiệp chỉ có 4 môn mà học gì thi nấy. Quốc gia tổ chức thi 4 môn, địa phương và cơ sở đánh giá các môn còn lại.
Thay vì Bộ chọn thì để cho các cháu chọn, để chú trọng giáo dục toàn diện, tôn trọng và phát huy được năng lực, sở trường của các cháu trong ngưỡng cửa bước vào cuộc đời.
Năm nay, có những hội đồng thi chỉ có 1 HS, Bộ sẽ xem xét để điều chỉnh. Nội dung đề thi cũng sẽ được thay đổi phù hợp, không gây sốc, tạo sự lo lắng cho xã hội.
Trong khi đó đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) quan tâm tới việc có hay không chuyện bỏ điểm sàn thi ĐH chủ yếu để giải cứu cho trường không tuyển được SV?
Về việc này, Bộ trưởng Luận khẳng định lại, Bộ không bỏ điểm sàn mà thay vì 1 điểm sàn duy nhất sẽ có 2-3 mức để phân tầng ĐH.
Trả lời nội dung hỏi đào tạo từ xa của đại biểu Thường về đào tạo từ xa, Bộ trưởng cho rằng đây là phương thức đào tạo mới, dựa trên thành tựu khoa học của thế giới với nhiều ưu điểm. Chúng ta mới ứng dụng, triển khai và có những cái lệch lạc như đào tạo ngành nghề cần thực hành, đào tạo múa, hát, đào tạo y tế, sư phạm thì không thể từ xa được và sẽ chấn chỉnh. Ở những cơ sở nào đào tạo không đúng, không bảo đảm chất lượng thì phải xử lý.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) cho rằng, hiện nay chính sách ưu đãi cho SV ngành sư phạm bộc lộ nhiều bất cập, không còn thu hút được HS khá giỏi vào học tập, nghiên cứu. Điểm trúng tuyển vào chuyên ngành sư phạm những năm gần đây thấp, đặc biệt là trường sư phạm ở địa phương. Bộ đã ban hành chính sách gì và thực hiện giải pháp nào để thu hút người học vào chuyên ngành này.
Bộ trưởng cho rằng, đúng là cần phải thay đổi chính sách với SV các trường sư phạm. Chính sách miễn giảm học phí hiện không còn sức hút như ban đầu nữa. Các SV nhìn vào thu nhập, khả năng cống hiến và tiến bộ của mình sau tốt nghiệp như thế nào là chủ yếu để quyết định theo học sư phạm hay không. Thực tế thứ hai nhiều SV sau học sư phạm không công tác trong ngành nhưng vẫn được miễn giảm học phí.
Bộ đã chủ động rà soát mạng lưới cơ sở đào tạo sư phạm cả nước để điều chỉnh bổ sung và báo cáo Thủ tướng.
Học sinh đánh thầy cô: Bộ trưởng sẽ xử lý
Hiện tượng HS đánh nhau, đánh thầy giáo, tung clip lên mạng khiến dư luận xã hội bức xúc cũng được đại biểu Nguyễn Xuân Thủy đề cập đến.
Bộ trưởng cho rằng giáo dục toàn diện với HS-SV đang là vấn đề được tập trung, chú ý. Bộ có một số thay đổi trong chỉ đạo: chú ý hướng các cháu có hoạt động trải nghiệm; gắn nhà trường với xã hội, ngoài việc các thầy cô giảng dạy còn có các chủ thể khác như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… gắn các hoạt động địa phương với hoạt động nhà trường để giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của HS-SV.
Bộ cũng đang chỉ đạo thay đổi phương pháp dạy môn học giáo dục đạo đức, công dân trong nhà trường.
“HS-SV của chúng ta có nhận thức cơ bản là tốt, đúng đắn. Tuy nhiên, cũng không coi nhẹ, chủ quan về một số biểu hiện tiêu cực. Chúng tôi xin tiếp thu để tiếp tục có những điều chỉnh, xử lý” – Bộ trưởng Luận nói.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu một kết quả khảo sát của DN về chất lượng SV ra trường để cho rằng chất lượng đào tạo CĐ-ĐH hiện rất đáng lo ngại. Về thực trạng này, Bộ trưởng Luận cho rằng khi chuyển sang kinh tế thị trường, đào tạo cho nhiều thành phần kinh tế.
Khi thị trường lao động đã hình thành và ngày càng phát triển thì độ trễ và sự không khớp giữa cung và cầu là một thực tế khách quan. Bộ sẽ phối hợp để xử lý ở khâu “cung” một cách tốt hơn, cảnh báo xã hội về ngành nghề thiếu, ngành nghề thừa.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng nước ta có quá trình bất cập trong đào tạo và sử dụng tiến sỹ, Bộ trưởng đồng tình với nhận định này và cho biết, để giải quyết, Bộ đã chấn chỉnh việc đào tạo Ths, TS ngoài cơ sở chính của nhà trường.
Trước đây diễn ra khá phổ biến, nay Bộ quyết định trường nào đủ quy định chỉ được đào tạo tại trụ sở chính; số lượng chỉ tiêu đào tạo THs, TS được điều chỉnh giảm đi, gắn chặt với điều kiện bảo đảm chất lượng; rà soát ban hành quy chế đào tạo mới. Quy chế đào tạo Ths mới đã có hiệu lực theo hướng nâng cao chất lượng, quy định rõ trách nhiệm của người hướng dẫn, người phản biển, hội đồng bảo vệ, cơ sở đào tạo…
Bộ khuyến khích, tạo điều kiện, tạo hành lang cho các cơ sở đào tạo có cơ hội hợp tác với các cơ sở uy tín của nước ngoài, tiếp nhận chương trình, công nghệ, phương pháp đào tạo mới; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm trong và sau đào tạo.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nêu câu hỏi: “Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Bộ để xuất các giải pháp dàn hàng ngang cùng tiến hay chọn khâu then chốt?”
Bộ trưởng trả lời ngắn gọn rằng, Nghị quyết 29 đã nêu một số giải pháp mang tính đột phá là giáo viên, cán bộ quản lý, công tác quản lý của ngành GD-ĐT.
Đầu giờ chiều nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu, đáng chú ý là chất vấn của ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) về đề án đổi mới SGK-CT với kinh phí 34.000 tỷ đồng.

Tin nổi bật