Không nên có quá nhiều các phương thức xét tuyển
Tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 9/8, góp ý về công tác tuyển sinh, PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, kiến nghị xem xét bỏ phương thức tuyển sinh sớm/xét tuyển sớm.
“Bởi lúc đó, các học sinh vẫn chưa hoàn thành chương trình đào tạo THPT. Chưa kể, một số tư vấn viên trong thời gian vừa qua khi tư vấn tuyển sinh đã đề nghị hoặc yêu cầu các học sinh phải đăng ký các nguyện vọng xét tuyển sinh sớm lên đầu. Việc này là không đúng nhưng họ đã âm thầm làm như vậy. Tôi cho rằng như vậy sẽ thiếu sự công bằng, làm mất cơ hội của thí sinh”, báo VietNamnet dẫn lời ông Phúc nói.
Lãnh đạo Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho rằng việc đưa ra nhiều phương thức xét tuyển rồi chia phần trăm khác nhau cho từng phương thức là không có cơ sở, gây mất công bằng cho thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: VietNamnet
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các trường đại học nâng cao tinh thần tự chủ nhưng cũng cần phải có trách nhiệm hơn đối với giáo dục phổ thông.
“Việc xét tuyển sớm có những tác động tiêu cực đối với giáo dục phổ thông ở những giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Do đó, thời gian tới cần phải xem xét. Bởi các học sinh khi đã đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển sớm sẽ không học nữa. Điều đó rất tai hại. Các trường chỉ yên tâm cho số thí sinh sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, do đó điểm chuẩn sẽ rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học top. Về việc này, phía Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào trong định hướng công tác tuyển sinh đại học của năm sau”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng GD&ĐT cũng lưu ý các trường không nên có quá nhiều các phương thức xét tuyển. “Càng đơn giản càng tốt, thuận cho thí sinh và xã hội. Đừng nhiều quá, đừng phức tạp quá”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm.
"Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định và vì việc này, có thể Bộ GD&ĐT sẽ phải tăng thêm một số khung/chế tài để điều tiết”.
Ông Sơn cũng cho hay, kết quả cũng cho thấy, nguồn tuyển dồi dào, trường nào uy tín thì không lo. “Vì vậy không có gì phải ‘chen lấn xô đẩy’. Trong tự chủ, các trường cần đề cao hơn tinh thần trách nhiệm xã hội”, ông Sơn nói.
Nguy cơ thiếu công bằng
Cũng nêu quan điểm về việc tuyển sinh sớm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, tuyển sinh sớm có mặt tích cực nhưng cũng khiến các em phân tán tư tưởng. Thời gian qua, nhiều sở GD&ĐT, các trường phổ thông phản ánh và lo lắng về điều này, bởi nhiều em khi biết mình đã trúng tuyển sớm nên sao nhãng học tập.
Xét tuyển sớm nếu dành cho tuyển thẳng, thí sinh rất tài năng, năng khiếu hay trường có thể nhận thoải mái mà không lo chỉ tiêu thì rất tốt. Nhưng nếu không kiểm soát được chỉ tiêu, sẽ dẫn đến mất công bằng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Dân trí
Về ưu điểm của tuyển sinh sớm, trước đó Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định, các trường chủ động hơn, giảm tải áp lực cho thí sinh, cho các trường. Song, mặt trái cũng tạo tâm lý lo lắng cho thí sinh thấy bạn bè xét tuyển sớm mình cũng phải lo xét tuyển sớm. Hạn chế khác như sai sót, khó dự báo tỷ lệ nhập học.
Đặc biệt, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh tới vấn đề thiếu công bằng khi các trường đưa chỉ tiêu xét tuyển sớm, sẽ có độ ảo nhất định, rất khó có căn cứ để xác minh. Ông dẫn chứng ví dụ, trường có 100 chỉ tiêu ngành A, trường ấn định 60 chỉ tiêu cho xét tuyển sớm. "Căn cứ nào để đưa ra con số 60 này"? Thứ trưởng đặt câu hỏi.
Một tình huống khác là trường chưa dự báo được tỷ lệ ảo, nên với 100 chỉ tiêu nhưng nâng lên 200 chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, đến cuối cùng, đã đủ 100 thí sinh đăng ký xét tuyển sớm. Như vậy, khi đã tuyển đủ chỉ tiêu xét tuyển sớm rồi sẽ không còn chỉ tiêu cho các trường hợp khác nữa.
"Đây là sự thiếu công bằng và là hiện tượng rất nhức nhối trong một số năm qua. Không phải chỉ xuất hiện ở một trường mà rất nhiều trường, dẫn tới có trường số lượng tuyển thực tế vượt chỉ tiêu rất nhiều", báo Dân trí dẫn lời Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.