3 vấn đề lớn về tài chính đất đai
Phiên thảo luận tại chuyên đề hoàn thiện chính sách đất đai trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022 ngày 18/9 có sự tham dự của lãnh đạo bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Tài chính, bộ Xây dựng và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu lên 3 vấn đề lớn về tài chính đất đai.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu một số bất cập trong việc định giá, giao đất. Ảnh: Dân trí.
Thứ nhất, việc quản lý mục đích sử dụng đất phải chặt chẽ, nếu không sử dụng với mục đích sản xuất kinh doanh, không còn nhu cầu sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi lại để bán đấu giá một cách hiệu quả hơn, tạo động, nguồn lực để phát triển.
"Ví dụ, ở một số doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa, có tình trạng doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang thương mại hoặc đất ở, làm thất thoát ngân sách nhà nước. Đây là lỗ hổng lớn, vì chỉ cần một quyết định hành chính có thể làm mất đi hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ. Do vậy, cần có cơ chế bịt lỗ hổng này", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Thứ hai, hiện có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng chưa thật sự nhất quán, chính xác đã tạo nên một số lỗ hổng. Bộ trưởng cho rằng, sắp tới chúng ta phải rà soát lại các phương pháp xác định giá đất để tìm ra phương pháp xác định một cách phù hợp nhất, chính xác, nhất quán.
Thứ ba, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng phải xác định giá đất trước thời điểm xác định giá đất không quá 6 tháng mới đảm bảo độ chính xác. Khi nộp tiền vào ngân sách mới tiến hành giao đất, theo Sức khỏe & Đời sống.
Phải đổi mới công tác quy hoạch
Nêu các nội dung cải cách đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai lần này, Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, 11 nhóm chính sách lớn của Nghị quyết 18 đều là các vấn đề cốt lõi.
Ông nhắc đến một số ưu tiên khi bàn về hoàn thiện chính sách đất đai. Trong đó, thứ nhất, đó là quy hoạch. Công tác này theo ông Hà, phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức và xác định lại vị thế, để quy hoạch mang được trách nhiệm, quyền hạn của Nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực tài nguyên đất đai.
Công tác quy hoạch cũng sẽ giải quyết được yêu cầu về công bằng, bình đẳng cho các bên trong phân bổ, sử dụng đất đai, ông Hà nói. Việc giải quyết nhu cầu sử dụng đất, thông qua công cụ này cũng sẽ thể hiện tính dân chủ trong quá trình xây dựng quy hoạch về đất đai.
Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên thảo luận. Ảnh: Dân trí.
Vấn đề thứ hai được ông Hà nhắc tới, đó là định giá đất. Thực tế, định giá đất vẫn còn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề định giá đất đai cách công khai, minh bạch, bình đẳng sẽ giải quyết được các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, đi kèm với định giá đất đó là vấn đề kinh tế, tài chính đất đai. Khi chúng ta định giá đúng thì chúng ta sẽ thực hiện được các chính sách về mặt xã hội theo tài chính đất đai, chuyển từ mệnh lệnh hành chính, từng bước sang thị trường. Ông Hà cũng cho rằng sẽ giải quyết được các bất cập hiện nay như đầu cơ, thổi giá, đất đai sử dụng không hiệu quả.
Mặc dù đất đai là nguồn lực lớn song ông Hà nhận xét, thực tế vẫn còn thiếu thông tin, đánh giá, giám sát. Do vậy, việc xây dựng thông tin dữ liệu đất đai là rất cần thiết, thông qua việc chuyển đổi số.
Ông nhấn mạnh, thông qua dữ liệu về đất đai, sẽ vừa giám sát nguồn lực này vừa giúp người dân tiếp cận thông tin đất đai công bằng, công khai, bình đẳng, theo Dân trí.
Đề xuất giao UBND cấp tỉnh dành quỹ đất trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, bất động sản là tài sản có giá trị lâu bền, không thể di dời gắn liền với đất đai. Đất đai là tiền đề và là yếu tố cấu thành của bất động sản, bất cứ bất động sản nào cũng phải gắn với đất đai.
Do vậy, các yếu tố kinh tế và pháp lý đất đai luôn là cơ sở nền tảng có vai trò quyết định đối với các hoạt động phát triển, các quyền năng, giá trị kinh tế của bất động sản, có tác động trực tiếp tạo ra những biến động của thị trường bất động sản.
GS.TS Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lao động.
Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, cơ chế giá đất cho phát triển bất động sản phải xác định phù hợp với giá trị thị trường của đất đai và sử dụng cơ chế thị trường trong lựa chọn các nhà đầu tư dự án phát triển bất động sản.
Trong khi đó, Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong dự thảo Luật đã nhận định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân là một chính sách được Đảng, Nhà nước quan tâm cho người nghèo, người thu nhập thấp, lực lượng vũ trang.
Do vậy, trong dự thảo lần này, bộ Xây dựng đề xuất việc dành quỹ đất giao cho UBND các tỉnh trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch xây dựng phải dành lượng đất phù hợp để đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới, theo Lao động.
Linh Chi (T/h)