Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Trường học là một thiết chế thuộc về cộng đồng, cần sự hỗ trợ và chung tay

  • Bảo An
(DS&PL) -

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, nhìn nhận kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà đất nước đạt được trong thời điểm hiện tại - khi chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, tầm vóc, vị thế như hiện nay, thì trong đó có phần đóng góp của các thầy cô giáo, của lực lượng làm công tác giáo dục.

Trước tiên xin cảm ơn Thầy - Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã dành thời gian trao đổi với Người Đưa Tin nhân ngày Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam (20/11). Thưa Thầy, chúng ta đang có trên 1,6 triệu nhà giáo, những người ngày đêm thầm lặng hy sinh vì học trò, chăm lo cho các thế hệ học trò. Đặt trong bối cảnh của sự đổi mới, Thầy đánh giá sao về chất lượng nhà giáo trong giai đoạn hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Có thể nói chưa bao giờ ngành giáo dục có được một lực lượng nhà giáo đông đảo như thời điểm này, xét về số lượng, cơ cấu, quy mô từ bậc mầm non, cho tới đại học, giáo dục thường xuyên; kể cả lực lượng trực tiếp giảng dạy và quản lý.

Chúng ta vẫn nói hiện nay giáo viên đang thiếu khá nhiều, nhưng đó là xét về mặt nhu cầu để phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng và đảm nhiệm đủ người giảng dạy cho số học sinh, trẻ em ngày càng tăng. Còn so với nhiều năm về trước, đây là giai đoạn lực lượng nhà giáo lớn mạnh, đông đảo. Đây là vốn quý nhất, tài sản lớn nhất của ngành để thực hiện những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho.

Những năm gần đây tỉ lệ trường ngoài công lập từ mầm non đến đại học cũng gia tằng đã đem lại những nhân tố mới, làm cho lực lượng nhà giáo đông đảo hơn, cho thấy sự đầu tư từ nhiều phía.

Nhìn về tổng thể, toàn bộ lực lượng vẫn giữ được tinh thần, phẩm chất, nhiệt thành của nhà giáo từ trong truyền thống. Trên 1,6 triệu nhà giáo vẫn là những người rất tâm huyết với công việc và sự nghiệp trồng người; vẫn đang tích cực khắc phục khó khăn, thách thức để vẫn yêu nghề, hy sinh vì học trò, chăm lo cho các thế hệ học trò.

Và có thể nói rằng, lực lượng nhà giáo cũng đang không ngừng thể hiện tính sáng tạo, tinh thần tự học, tự vươn lên, thích nghi với các yêu cầu của thời kỳ công nghiệp 4.0 để hoàn thành tốt công việc của mình.

Nhìn nhận kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà đất nước đạt được trong thời điểm hiện tại - khi chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, tầm vóc, vị thế như hiện nay, thì trong đó có phần đóng góp của các thầy cô giáo, của lực lượng làm công tác giáo dục.

Đứng trước những yêu cầu mới của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển đất nước, tôi tin tưởng lực lượng nhà giáo sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu và hoàn toàn có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình.

Trong lực lượng nhà giáo có nhiều tấm gương vượt lên gian khổ để đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Có thể nói, những phẩm chất tốt đẹp từ trong truyền thống cho tới ngày nay của lực lượng nhà giáo khiến tôi rất tin tưởng và tự hào.

Toàn ngành đang đứng trước thách thức rất lớn, thách thức của sự phát triển, đứng trước những áp lực của đổi mới. Nhưng những thách thức, áp lực như vậy cũng là cơ hội để nhà giáo tiếp tục đổi mới, tiếp tục phát triển, tiếp tục trưởng thành.

Chúng ta đang tiếp tục tiến hành triển khai Chương trình GDPT 2018. Cũng đã có những đánh giá, nhìn nhận ban đầu, và thực tế bên cạnh những thành công, thì cũng còn rất nhiều những khó khăn. Xin Thầy chia sẻ về điều này…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Sau một chặng đường đổi mới, đã có những kết quả quan trọng là tiền đề. Những thách thức, bỡ ngỡ, lúng túng dần được điều chỉnh để đi vào nền nếp. Giáo viên đã bắt đầu quen với chương trình giáo dục phổ thông mới, với cách dạy mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo nhiều hơn. Học sinh quen hơn với cách học, xã hội biết và chia sẻ nhiều hơn… đó chính là thuận lợi rất quan trọng.

Các địa phương cũng nhận thấy điều kiện đổi mới còn nhiều thiếu thốn và tích cực để giải quyết. Việc các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh triển khai cũng là những yếu tố góp phần thuận lợi. Hy vọng các chương trình này sẽ đem lại cho các địa phương, cơ sở giáo dục thêm điều kiện để thực hiện chương trình mới này.

Tuy vậy, đổi mới mang theo những thách thức đối với cái cũ, tư duy cũ, quan niệm cũ và sức ì. Đổi mới càng sâu thì thách thức càng lớn. Đổi mới không chỉ liên quan đến học sinh, giáo viên mà còn cần sự ủng hộ của phụ huynh, xã hội. Công cuộc đổi mới có rất nhiều thay đổi và khi một phần không nhỏ trong xã hội chưa hiểu hết những thay đổi đó sẽ dễ dẫn đến kêu ca, phàn nàn, chưa hoàn toàn tin tưởng vào định hướng đổi mới. Đây là thách thức, cần phải tạo sự đồng thuận nhiều hơn từ phía xã hội, nhân dân, phụ huynh để tất cả cùng đồng hành, chia sẻ với ngành giáo dục.

Đối với lực lượng nhà giáo, tôi cho rằng mức độ đổi mới của nhà giáo đạt được đến đâu thì đổi mới giáo dục đạt được đến đó. Một trong những khó khăn đó là các cách làm cũ vốn đã định hình và ăn sâu vào thói quen giảng dạy mà không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với công việc mới cần làm theo yêu cầu của sự đổi mới. Để khắc phục cần có sự nỗ lực, quyết tâm, chia sẻ rất lớn từ đội ngũ các nhà giáo.

Về phía Bộ GD&ĐT, chúng tôi đang làm rất nhiều việc để động viên, hỗ trợ giáo viên, cố gắng đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, để giáo viên có thêm động lực, chỗ dựa cho sự đổi mới.

Và thực tế, trước khi đổi mới giáo dục đã có nhiều khó khăn chưa khắc phục xong, giờ lại phải bước vào một hành trình đổi mới với nhiều khó khăn hơn. Ở những vùng sâu, vùng xa, khó khăn, thách thức sẽ còn chồng chất hơn nữa nếu như không có sự hỗ trợ hiệu quả. Trong khi đó, ở các đô thị lớn lại gặp khó khăn về sự dịch chuyển dân cư cơ học, tăng dân số cao, thiếu đất để xây trường. Như vậy, mỗi nơi đều có các khó khăn riêng.

Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến giáo dục và lực lượng nhà giáo. Vì vậy, về chế độ, chính sách, gần đây ngày càng thêm nhiều chính sách tốt để phát triển, hỗ trợ, quan tâm tới nhà giáo. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với nhà giáo đầu năm, đã có rất nhiều mong đợi để công việc tốt hơn. Xin Thầy chia sẻ những tâm tư, trăn trở của mình về việc này?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Lực lượng nhà giáo mong muốn, Đảng, Nhà nước đã quan tâm sẽ tiếp tục quan tâm, từ cấp trung ương đến địa phương, tiếp tục có đầy đủ cơ sở vật chất để nhà giáo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ dạy của mình, chú tâm vào chuyên môn.

Trước khi có yêu cầu về chất lượng giáo dục cao thì yêu cầu trường ra trường, lớp ra lớp phải là câu chuyện được đặt ra một cách ráo riết trong thời gian sắp tới.

Về tâm tư, nguyện vọng, nhà giáo rất mong các cấp từ trung ương đến địa phương có sự ghi nhận kịp thời, đầy đủ những đóng góp của lực lượng nhà giáo, cả với quy mô của ngành và với từng trường hợp, để nhà giáo có thể thấy những hy sinh, đóng góp của mình được ghi nhận một cách xứng đáng. Đây cũng là sự động viên về mặt tinh thần.

Qua tâm tư từ hơn 6.300 câu hỏi của giáo viên gửi về trao đổi với tôi trong dịp tôi gặp gỡ, tiếp xúc với nhà giáo đầu năm học cho thấy, nhà giáo rất mong phía xã hội, phụ huynh, cộng đồng có sự chia sẻ nhiều hơn, thấu hiểu nhiều hơn. Thấu hiểu về công cuộc đổi mới đầy thử thách mà ngành Giáo dục và từng giáo viên đang phải làm; cái mới là công việc khó, chưa có tiền lệ nên không chỉ cần có sự cố gắng của đội ngũ giáo viên mà cần sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ, thấu hiểu, đặc biệt từ phía phụ huynh trong việc dạy dỗ các em và những khó khăn phát sinh. Những bước đi chập chững trong đổi mới rất cần có sự chia sẻ, hỗ trợ từ phía xã hội, kể cả những phán xét từ phía xã hội đôi khi cũng chưa công bằng với những nỗ lực, cố gắng của nhà giáo.

Trường học là một thiết chế thuộc về cộng đồng, mà đã là cộng đồng thì ngoài việc giám sát, bên cạnh đó còn là hỗ trợ và chung tay.

Đối với ngành Giáo dục, từ trong truyền thống, nghề giáo là nghề tôn nghiêm, cao quý, nhà giáo mong rằng, nghề luôn luôn giữ được sự tôn nghiêm. Điều đó đương nhiên phải bắt đầu từ những người làm nhà giáo nhưng chỉ thế thôi chưa đủ, mà còn phải cần tinh thần từ phía xã hội. Giáo dục có tôn nghiêm thì hiệu quả giáo dục mới tốt, sự dạy dỗ đối với con người mới hiệu quả. Trong một xã hội khi nghề nhà giáo tôn nghiêm còn là giá trị, tinh thần lành mạnh của xã hội.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đời sống của giáo viên, rất cần sự chung tay, thấu hiểu của cả xã hội. Xin Thầy chia sẻ mong muốn, kỳ vọng của mình trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trong thời kỳ chuyển đổi của xã hội có những điều chỉnh của hệ giá trị, hoặc trong sự phát triển của giáo dục cũng có một bộ phận, có những người, có những việc khiến cho xã hội thấy chưa hài lòng; đương nhiên có những tổn hại đến tôn nghiêm của lực lượng nhà giáo. Tuy nhiên, đó chỉ có tính chất bộ phận, còn với truyền thống hiếu học, với văn hoá của Việt Nam, nghề nhà giáo vẫn là một nghề cao quý, tôn nghiêm. Vấn đề hiện nay là làm thế nào củng cố sự cao quý, tôn nghiêm đó, để trong thời kỳ thay đổi của xã hội, ngày càng xác lập và vun cao hơn sự tôn nghiêm của nghề nghiệp.

Tôi vẫn nhắc lại rằng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, bao giờ nhà giáo cũng coi đó là trách nhiệm của chính mình, bằng sự mẫu mực đạo đức, nhân cách, bằng tinh thần khoa học, tinh thần giáo dục để tự mình thuyết phục xã hội nhiều hơn. Sự cố gắng của nhà giáo là một chuyện, cần có cả sự hỗ trợ, chia sẻ từ phía xã hội nữa.

Giá trị đạo đức nhà giáo phải là một bộ phận chấn chỉnh của toàn bộ đạo đức xã hội. Các câu chuyện ứng xử xã hội cần có sự điều chỉnh, chứ không chỉ là quan hệ phụ huynh với nhà giáo hay học sinh với nhà giáo, mà cần những điều chỉnh trong xây dựng giá trị đạo đức xã hội, những chuẩn mực. Khi chúng ta làm tốt uốn nắn với cái chung, trong đó những giá trị tốt đẹp của hoạt động giáo dục, của nhà giáo sẽ được cải thiện.

Cuối cùng, xin Thầy chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình đối với tập thể nhà giáo nhân ngày 20/11?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhà giáo vốn là công việc cao quý, khó khăn, thách thức còn rất nhiều ở phía trước. Không có nghề vinh quang nào lại nhẹ nhàng, dễ dàng cả. Trong thời kỳ chuyển đổi, đổi mới với các yêu cầu rất cao mong toàn thể nhà giáo đã nỗ lực sẽ nỗ lực hơn nữa; sáng tạo sẽ tiếp tục thể hiện sự sáng tạo để ra sức hoàn thành thật tốt những mục tiêu của ngành. Thực hiện thật tốt những việc đó thì chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc của mình.

Chúc tất cả các nhà giáo có một dịp 20/11 thật vui, hạnh phúc, tăng thêm yêu nghề, yêu đời, làm tốt công việc của mình.

Mỗi thầy cô cần có ý thức về trọng trách vinh quang của nghề giáo. Mỗi nhà giáo cần nhận thức rõ, chính các nhà giáo là những người sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình. Thầy cô phải làm cho mọi người thấy rằng, đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc của nghề cao quý.

Người thầy cần phải là người dẫn đường, tạo dựng những con người có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất nước, của nhân loại, đó là nhiệm vụ thiêng liêng của nhà giáo.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng mong rằng, mỗi chúng ta sẽ kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và tiếp tục kiên trì vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt.

NĐT: Xin cảm ơn Thầy!

Theo Tạp chí Người đưa tin pháp luật

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/e-giao-duc-can-co-su-ho-tro-chia-se-tu-phia-xa-hoi-a636703.html?fbclid=IwAR0-iilpLsW-azd91UDS31JXsNuI8EQ5M_pLIfooDupnR5AiQ9yi_8ICDvs

Tin nổi bật