Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng bộ Công Thương: Ùn tắc cửa khẩu do quy định phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc

(DS&PL) -

Nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu là do những quy định phòng dịch nghiêm ngặt của phía Trung Quốc.

Sáng ngày 16/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: VTC News

Theo chương trình, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc, Bộ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên là người trả lời chính trong buổi sáng nay liên quan đến các vấn đề bao gồm: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội ngày 15/3, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2021, xuất khẩu của cả nước đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%. Cán cân thương mại có xuất siêu 4,1 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 28 tỷ USD, tăng 12%.

Bên cạnh đó, giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản cũng tăng mạnh trong năm 2021 như giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tăng 55,2%, cao su tăng 23%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,8%, cà phê tăng 12,3%, gạo tăng 5,5%, chè tăng 4,6%.

Tuy nhiên, sang đến năm 2022, với những diễn biến khó đoán định về bức tranh thương mại toàn cầu do phụ thuộc vào dịch COVID-19, cũng như những khó khăn từ chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, việc xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

“Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi hoạt động thông quan hàng hóa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã, đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn”, báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 lan rộng tại miền Bắc và nhất là từ khi phía Trung Quốc cũng bắt đầu phát hiện các ca mắc COVID-19 tại khu vực biên giới, phía Việt Nam đã chủ động giao thiệp ở tất cả các cấp để giữ cho lưu thông hàng hóa được thông suốt.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn chủ động tăng cường các biện pháp quản lý như thủ tục giao nhận chặt chẽ hơn, quy trình kiểm dịch phức tạp hơn.

Nhiều cửa khẩu quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu như Hà Khẩu - Kim Thành (Lào Cai), Đông Hưng - Móng Cái (Quảng Ninh), cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đều bị tạm dừng thông quan do phát hiện ca mắc COVID-19.

“Như vậy, có thể thấy nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu nhất dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa lần này là do các quy định phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, nhất là khi phía bạn cũng xuất hiện các ca mắc COVID-19 tại khu vực cửa khẩu. Ùn tắc xảy ra ở cả 2 phía, gây thiệt hại không chỉ cho ta mà còn cho cả xuất khẩu của Trung Quốc”, VTC News trích dẫn báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Trước tình trạng này, Chính phủ, bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện tại khu vực biên giới.

Nhờ nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên, 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam đều đã khôi phục dần hoạt động thông quan tại các cụm cửa khẩu quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của ta.

Trước Tết Nguyên đán, lượng xe chờ xuất khẩu tại các tỉnh biên giới đã giảm rất mạnh và trở về mức thông thường như trước khi xảy ra ùn tắc. Hàng hóa nhập khẩu cũng được giải tỏa đáng kể, đáp ứng nhu cầu vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật