Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã có chuyến thăm viếng biên giới lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc xung đột với Trung Quốc tại Doklam hồi tháng 6/2017.
Hai video ngắn về cuộc trò chuyện của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman với binh sĩ Trung Quốc tại biên giới ở Nathu La đã được đăng trên tài khoản Twitter chính thức của bà hôm 8/10.
"Các bạn có biết “namaste nghĩa là gì không?", bà Sitharaman hỏi những người lính Trung Quốc. Một người sau đó đã trả lời rằng ý nghĩa của từ “namaste” là “Rất hân hạnh khi được gặp các bạn”. Bà Sitharaman hỏi lại: "Thế bạn sẽ nói gì bằng tiếng Trung?" và binh sĩ kia đáp lại: "Chúng tôi chỉ nói nihao" (xin chào).
Kết thúc video này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nói: "Vậy thì tôi sẽ nói ‘Namaste’”. Trong văn hóa Ấn Độ, “namaste” là một lời chào với ý nghĩa vô cùng đặc biệt “ tôi xin cúi mình trước bạn”.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Sitharaman gửi lời chào và chúc may mắn đến binh sĩ Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Được biết, buổi trao đổi ngắn của bà Sitharaman với binh sĩ Trung Quốc được diễn ra tại một cuộc họp với Tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) với sự trợ giúp của một thông dịch viên.
Trong một video khác đăng trên tài khoản Twitter của Bộ trưởng, bà đã gửi lời chức may mắn đến người dân Trung Quốc: "Ấn Độ và Trung Quốc đều là những quốc gia vĩ đại. Chúc may mắn cho đất nước của các bạn".
Nathu La là điểm cuối cùng dọc biên giới giữa Sikkim của Ấn Độ và Tây Tạng ở Trung Quốc.
Tờ Thời báo Kinh tế của Ấn Độ đánh giá chuyến công du của bà Sitharaman là chuyến viếng thăm cấp cao đầu tiên tới khu vực này sau khi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tranh chấp suốt 73 ngày ở Doklam hồi tháng 6/2017. Vụ việc vừa mới tạm lắng xuống vào ngày 28/8 sau khi một thỏa thuận chung giữa 2 nước được thông qua.
Thỏa thuận chấm dứt tranh chấp chỉ diễn ra vài ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh BRICs diễn ra ở Trung Quốc, với sự tham dự của cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Trong các cuộc đàm phán với ông Modi bên lề sự kiện, ông Tập cho biết 2 quốc gia nên phối hợp với nhau để đưa quan hệ song phương của họ bình thường trở lại.
Hiện tại vẫn còn khoảng 1000 lính Trung Quốc đóng quân tại khu vực biên giới nhưng các nhà phân tích cho biết họ chủ yếu ở lại đó để xây dựng cơ sở hạ tầng.
(Theo SCMP)