Tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc có thể đã kết thúc cách đây vài tuần, nhưng khoảng 1.000 lính Trung Quốc hiện vẫn đóng quân ở khu vực Doklam.
Hồi tháng 6 vừa qua, 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đã triển khai quân đội đến vùng biên giới tranh chấp Doklam khiến cả thế giới lo ngại. May thay, căng thẳng đã kết thúc khi cả 2 phía quyết định rút quân vào đầu tháng 9.
Tuy nhiên, theo nguồn tin từ phía Ấn Độ, một đội quân bao gồm khoảng 1.000 lính của Trung Quốc vẫn đóng quân ở biên giới tranh chấp và vị trí đóng quân của lực lượng này chỉ cách nơi từng xảy ra cuộc xung đột giữa hai nước vài trăm mét.
Kênh truyền hình New Delhi đưa tin các binh sĩ Trung Quốc vẫn đang tham gia vào một dự án xây đường ở khu vực tranh chấp dù đây từng là nguyên nhân dẫn tới cuộc xung đột căng thẳng giữa hai nước trong thời gian qua. Tuy vậy, chưa có dấu hiệu cho thấy các binh sĩ Trung Quốc sẽ ở lại đây lâu dài.
1.000 lính Trung Quốc được cho là vẫn đóng quân tại khu vực tranh chấp với Ấn Độ. Ảnh: Sputnik |
Chuyên gia quân sự Zhou Chenming của Bắc Kinh nói với tờ SCMP: "Quân đội Trung Quốc có một căn cứ không xa khu vực thường trú và vài trăm binh sĩ đóng quân ở đó. Thông thường, họ có công việc để làm trong khu vực như tiếp tục xây dựng các con đường".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ đồng hồ về cuộc xung đột này, trong đó cả hai đều cam kết sẽ đảm bảo các sự kiện quốc tế như ở Doklam không tái diễn.
Hai ngày sau đó, tờ Financial Times của Ấn Độ báo cáo rằng quân đội Trung Quốc vẫn ở trong lều và các công trình tạm thời của họ. Trước đó, thỏa thuận giữa 2 quốc gia là Bắc Kinh sẽ ngừng xây dựng con đường và rút quân.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin trên. Các lực lượng biên phòng nước này tuyên bố tuần tra trong khu vực Doklam là “hành động thực hiện quyền chủ quyền của họ và để bảo vệ lãnh thổ".
"Chúng tôi đã thấy các báo cáo gần đây về Doklam", Raveesh Kumar, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết. "Không có tình tiết phát triển mới tại khu vực tranh chấp cũng như khu vực phụ cận kể từ ngày 28/8 vừa qua", ông Kumar khẳng định.
Rajeev Rajan Chaturvedy, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore đánh giá: "Tôi không nghĩ rằng sẽ có sự thay đổi lớn tại khu vực Doklam vì Ấn Độ vẫn sẽ không cho phép Trung Quốc tiến hành bất kỳ công trình xây dựng đường xá nào trong lãnh thổ tranh chấp”.
(Theo Sputnik)