Ngày 23/9, bộ Tài chính có công văn số 9691/BTC-CST gửi các bộ, ngành xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu, VietNamNet đưa tin.
Theo đó, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kiểm soát lạm phát các tháng cuối năm, bộ Tài chính đánh giá cần thiết phải trình Quốc hội có quyết nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định việc giảm thuế.
Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, như sau:
Giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn;
Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% hai loại thuế với xăng, dầu. Ảnh: VnExpress.
Hiệu lực thi hành của Nghị quyết thực hiện theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa XV.
Theo bộ Tài chính, đề xuất giảm 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, thời gian áp dụng 6 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, cụ thể:
Giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng các loại như sau:
Xăng: Giảm từ mức 10% xuống 5%;
Xăng E5: Giảm từ mức 8% xuống 4%;
Xăng E10: Giảm từ mức 7% xuống 3,5% làm tròn xuống là 3%.
Giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng (từ mức thuế suất 10% xuống 5%) đối với mặt hàng: Xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.
Từ đề xuất trên, bộ Tài chính đánh giá tác động trên cơ sở 2 phương án. Trong trường hợp giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 20% mức thuế GTGT đối với xăng dầu, thời gian áp dụng 6 tháng thì giảm số thu NSNN đối với 2 sắc thuế này là 7.434 tỉ đồng.
Với phương án đề xuất nêu trên và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 12-9 thì tỉ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 15,93% đối với xăng E5RON92, khoảng 17,95% đối với xăng RON95 và khoảng 9,75% đối với dầu diesel.
Trong trường hợp giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 50% mức thuế GTGT đối với xăng dầu, thời gian áp dụng 6 tháng, thì số giảm số thu ngân sách Nhà nước với 2 loại thuế này là 12.186 tỉ đồng.
Với phương án này, tỉ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 13,35% đối với xăng E5RON92, khoảng 15,61% đối với xăng RON95 và khoảng 7,18% đối với dầu diesel.
Bích Thảo (T/h)