Diễn Châu - Bãi Vọt là dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, dài 49km, đi qua Nghệ An (44,4km) và Hà Tĩnh (4,9km), được đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến hoàn thành xây lắp trong tháng 5/2024. Giai đoạn 1 của dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.150 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn nhà nước tham gia hơn 6.060 tỷ đồng.
Bộ GTVT cho biết, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt lũy kế sản lượng đến nay đạt 25% giá trị hợp đồng, chậm 3,98% so với tiến độ điều chỉnh do doanh nghiệp dự án đăng ký.
Nguyên nhân chậm tiến độ được chỉ ra là do một số tồn tại chưa được giải quyết triệt để, kéo dài. Bên cạnh đó, việc dự án chưa lập lại tiến độ chi tiết phù hợp với tiến độ tổng thể, chưa tổ chức tăng ca, tăng kíp để bù lại khối lượng bị chậm, đặc biệt công tác xử lý nền đất yếu; chưa chủ động xử lý dứt điểm nguồn vật liệu đất đắp,… cũng khiến dự án bị “lụt” tiến độ như hiện nay.
Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt lũy kế sản lượng đến nay đạt 25% giá trị hợp đồng, chậm 3,98% so với tiến độ điều chỉnh do doanh nghiệp dự án đăng ký.
Đề cập đến giải pháp đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án, ông Lê Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, ngày 10/1/2023, Bộ GTVT đã chủ trì đoàn kiểm tra hiện trường, yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu tăng cường nhân lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính, làm tăng ca để bù lại tiến độ đã bị chậm. Ban QLDA 6 (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp dự án.
"Trong thời gian tới, nếu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tiếp tục chậm tiến độ, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 6 căn cứ các quy định hợp đồng BOT đã ký kết, kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn diện khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT, đề xuất giải pháp xử lý theo quy định", Cục QLĐTXD cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Thái Anh Tuấn - Phó Giám đốc Ban QLDA 6, ông Tuấn cho biết theo hợp đồng BOT, nếu nhà thầu thực hiện dự án chậm tiến độ thì Bộ GTVT có quyền yêu cầu doanh nghiệp dự án thay thế nhà thầu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp dự án là bên trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu, vì vậy việc thay thế, chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp dự án nên doanh nghiệp dự án sẽ phải xem xét các điều khoản cụ thể của hợp đồng xây lắp đã ký với nhà thầu để xem xét đối với từng trường hợp cụ thể.
Nguyễn Lâm