Để bảo đảm an toàn cho các cháu học sinh trong hoạt động vận tải đưa đón học sinh đến trường, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát các trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa, đón học sinh.
Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 10/2020 của Chính phủ, điểm b khoản 6 Điều 4 Thông tư 12/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT (phải có phương án kiểm soát đảm bảo không còn hành khách trên xe, người lái xe kinh doanh vận tải hành khách sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe).
Chiếc xe ô tô đưa đón học sinh của Trường mầm non Hồng Nhung 2 trong vụ việc thương tâm ở Thái Bình
Song hành với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng ngành GTVT và cơ quan chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra các cơ sở giáo dục, trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh.
Bộ GTVT nhấn mạnh, tất cả các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến trung học phổ thông) trên địa bàn có sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh đến trường thực hiện quy trình, kiểm tra số lượng của học sinh khi lên xe và rời xe; phối hợp với hội phụ huynh làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải.
Bộ GTVT yêu cầu ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về ATGT, bảo vệ sức khỏe cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe tô tô; trên xe cần phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe ô tô.
UBND các tỉnh thành phố cần chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện xe ô tô đưa đón học sinh.
Cùng với đó, các sở, ngành tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo đảm TTATGT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 10/2023 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới, Chỉ thị 31/2023 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Riêng với tỉnh Thái Bình, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Sở GTVT tỉnh Thái Bình kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm.
Đồng thời phối hợp với Sở GTVT có liên quan xử lý theo quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải để xảy ra vụ việc nêu trên; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình trong công tác rà soát, xử lý vi phạm và thực hiện các giải pháp.
Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường đôn đốc các Sở GTVT trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ tại địa phương, đặc biệt là xe đưa đón học sinh, sinh viên, người lao động; khai thác hiệu quả thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô.