(ĐSPL) - Bộ GD-ĐT dự kiến ban hành quy định mới về việc đánh giá học sinh Tiểu học bằng lời nói, ý kiến nhận xét thay vì cho điểm số thường xuyên như trước.
Ảnh minh họa. |
Kết hợp đồng đều vai trò của học sinh, giáo viên và phụ huynh
Ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Tinh thần của quy định này là nhằm giảm áp lực về điểm số đối với bậc tiểu học mà thay vào đó là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh (HS), coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS; giúp HS phát huy được hết khả năng của mình; bảo đảm kịp thời, công bằng, khách quan.
Đánh giá toàn diện HS thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của HS theo mục tiêu giáo dục tiểu học; Kết hợp đánh giá của giáo viên (GV), HS, phụ huynh HS, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất; Đánh giá sự tiến bộ của HS, không so sánh HS này với HS khác, không tạo áp lực cho HS, GV và phụ huynh HS.
Việc đánh giá này được xét từ thực tế năng lực của các em HS. Đó là năng lực tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề; các phẩm chất: chăm học chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật, đoàn kết; yêu gia đình, bạn bè, con người, yêu trường lớp, quê hương, đất nước.
Việc đánh giá được tiến hành thường xuyên và định kì.
Trong quá trình đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi nhận xét vào sổ nhật ký sẽ đánh giá về những nội dung đã làm được hoặc chưa làm được của học sinh, những biện pháp cụ thể giúp học sinh vượt khó; các biểu hiện cụ thể về sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất,v.v.
Còn việc đánh giá định kỳ sẽ diễn ra vào cuối học kì 1 và cuối năm học, với các bài kiểm tra lấy điểm số.
“Quan điểm của chúng tôi, GV không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên. Khi nhận xét, GV cần đặc biệt lưu ý sự tiến bộ của từng HS để động viên, khích lệ giúp HS tự tin” - Vụ trưởng Phạm Ngọc Định cho biết.
Dưới góc độ HS thì các em tự đánh giá ngay trong quá trình hoặc sau khi thực hiện từng nhiệm vụ học tập môn học, hoạt động giáo dục, báo cáo kết quả với GV; HS tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn ngay trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập môn học, hoạt động giáo dục; thảo luận, hướng dẫn, giúp đỡ bạn hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với phụ huynh thì sẽ được GV hướng dẫn quan sát HS học tập, hoạt động giáo dục hoặc cùng tham gia các hoạt động học tập, hoạt động giáo dục với HS, quan sát việc ứng dụng kiến thức trong cuộc sống hàng ngày của HS, đưa ra các nhận xét, nhận định, đánh giá HS bằng lời nói trực tiếp với GV hoặc ghi vào phiếu đánh giá hoặc sổ liên lạc, phối hợp với GV và nhà trường động viên, giúp đỡ các em học tập, rèn luyện.
Mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt, không giáo dục kiểu “đồng loạt”
HS được coi là hoàn thành chương trình lớp học nếu đáp ứng được các yêu cầu: Đánh giá thường xuyên đối với tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, đạt hoàn thành; Mức độ hình thành và phát triển một số năng lực đạt; Mức độ hình thành và phát triển một số phẩm chất đạt. Đánh giá định kì kết quả học tập cuối năm học các môn học theo quy định đạt điểm 5 trở lên.
Việc đánh giá định kì kết quả học tập, mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được thực hiện vào cuối học kì I và cuối năm học đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, tiếng dân tộc bằng bài kiểm tra định kì. Đề kiểm tra định kì phù hợp với chuẩn kiến thức, kĩ năng, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức độ nhận thức của HS.
Ông Định cũng cho hay việc đổi mới đánh giá sẽ không áp dụng các tiêu chí mang tính “đồng loạt” với mọi học sinh mà thầy cô giáo trong quá trình dạy học phải theo sát và khuyến khích, khen ngợi học sinh theo khả năng từng em. Ví dụ có em giỏi toán, có em giỏi tiếng Việt, có em giữ gìn vệ sinh tốt, tham gia biểu diễn văn nghệ... Việc “không chấm điểm, tăng nhận xét” sẽ giúp giáo viên có cơ hội khích lệ và có những nhận xét, góp ý cụ thể với mỗi học sinh.