Chiều ngày 9/2, Bộ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp trực tiếp tại trụ sở Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại các địa phương và doanh nghiệp cung ứng xăng dầu để bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trong nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hàng loạt cửa hàng xăng dầu ở An Giang, Hậu Giang, Đồng Nai "đóng cửa" vì thiếu nguồn cung.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thời điểm hiện tại, toàn ngành Công Thương phải xác định, đảm bảo nguồn cung xăng dầu là nhiệm vụ hàng đầu và kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung để phục vụ nền kinh tế.
Tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng vụ Thị trường trong nước (bộ Công Thương) cho biết, với nhu cầu khoảng 1,8 - 2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2.
Từ tháng 3/2022, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường. Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 13/3.
Hiện, các đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất như kế hoạch.
Theo đó, Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20/2 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký.
Lượng bán xăng dầu ra thị trường của Petrolimex trong tháng vừa qua đã tăng khoảng 30% so với các tháng thông thường. Ngoài ra, các thương nhân đầu mối xăng dầu khác cũng đang tích cực triển khai việc ký kết, nhập khẩu xăng dầu.
Từ ngày 28/1 đến nay, nhiều cửa hàng xăng dầu tại Đồng Nai, An Giang đồng loạt đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao do nhu cầu đi lại, không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng.
Để bảo đảm việc cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, ngay lập tức, bộ Công Thương đã có Công văn chỉ đạo các doanh nghiệp và sở Công Thương các địa phương và có Công điện số 517/CĐ-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu chỉ đạo lực lượng QLTT các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Bạch Hiền (t/h)