Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ Công Thương "cởi trói", doanh nghiệp sẽ ra sao?

(DS&PL) -

"Giấy phép con" được coi như những "quả bom nổ chậm" can thiệp sâu vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

"Giấy phép con" được coi như những "quả bom nổ chậm" can thiệp sâu vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Thế nên, quyết định cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh của bộ Công Thương được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành.

PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng viện Chiến lược Phát triển, bộ KH&ĐT để đánh giá về những tác động sau quyết định này.

TS.Lưu Bích Hồ.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định được cho là "chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương" khi có phương án cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh?

Tôi đánh giá đây là bước mở đầu cho các Bộ khác cùng hăng hái giảm điều kiện kinh doanh. Bộ Công Thương hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp và đang có những cải cách quan trọng so với các Bộ nên việc giảm điều kiện kinh doanh rất khả quan. Tất nhiên vẫn còn hơn 500 điều kiện cần phải giảm thêm, nhưng đợt này giảm tới 675 điều kiện là tốt. Thủ tướng cũng đã có lời khen, đánh giá tốt và tôi hoan nghênh, ủng hộ bộ Công Thương.

Với quyết định cắt giảm 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh cũng chứng tỏ một điều thời gian trước đây tồn tại quá nhiều điều kiện bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp, thưa ông?

Theo đánh giá của bộ KH&ĐT bỏ đi một nửa, còn viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) muốn giảm đến 3.000 trong tổng số 4.000 điều kiện. Như vậy có thể trên một nửa các điều kiện không cần thiết. Những điều kiện đã cắt giảm rõ ràng là không cần thiết nữa, tức là chỉ giữ lại những điều kiện thật cần mà tiêu chuẩn đối với sự cần thiết đó cũng đã rõ.

Việc cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh được coi là một động thái tích cực, tuy nhiêu vẫn còn hơn 500 điều kiện, con số này có quá lớn, thưa ông?

Đây là con số khá lớn đòi hỏi bộ Công Thương phải tiếp tục xem xét. Trong đó, khi làm phải tính tới khả năng thực hiện, nên cần phải có sự chuẩn bị cẩn thận kể cả cho các cơ quan thực hiện và cho doanh nghiệp đón nhận. Theo tôi thời gian cũng không nên kéo dài, cần xong trong thời gian ngắn để  trong năm nay có thể cắt giảm được hết theo yêu cầu của Chính phủ.

Thưa ông, về phía doanh nghiệp, sau khi được "cởi trói" liệu sẽ có nhiều khởi sắc?

Về phía doanh nghiệp có một số yếu tố tác động tốt. Thứ nhất, những khoản chi phí theo luật hiện nay là khá lớn, theo đánh giá của bộ KH&ĐT và VCCI, khoản chi phí này chiếm khoảng 10% doanh thu của các doanh nghiệp. Theo CIEM và VCCI, các doanh nghiệp phải đóng góp gấp 3 lần chi phí kiểu này so với các nước trong khu vực. Việc giảm điều kiện kinh doanh, đầu tiên sẽ giảm bớt được chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ hai, là giảm thời gian, bởi như Thủ tướng nói "làm thủ tục bán con gà còn lâu hơn thời gian nuôi gà". Do đó, thời gian rất quan trọng, mà một phần quan trọng là do thủ tục về điều kiện kinh doanh. Thứ ba, doanh nghiệp có động lực hơn, quyết định của bộ Công Thương có tác động mạnh mẽ đến tinh thần phấn khởi cũng như tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp.

Cuối cùng, tôi cho rằng làm gì cũng cần có quyết tâm, giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh  biểu hiện doanh nghiệp được lợi và Nhà nước cũng được lợi. Vậy, Nhà nước được lợi những gì? Đó là thể chế ban hành là yếu tố quan trọng nhất của quá trình đổi mới. Thể chế làm tốt sẽ thúc đẩy thêm quá trình cải cách, kiến tạo của Nhà nước và điều này có tác động trực tiếp đối với doanh nghiệp và tiến trình đẩy mạnh cải cách.

Năm nay là năm thứ hai hoạt động hướng mạnh vào doanh nghiệp và Thủ tướng đề ra yêu cầu tập trung vào giảm chi phí. Trước yêu cầu như vậy tôi đánh giá quyết định của bộ Công Thương là tín hiệu tích cực. Mặc dù vậy cũng chưa vội quá lạc quan bởi đó mới ở trên văn bản, còn thực hiện như thế nào là cả bộ máy phải đưa những điều kiện được giảm bớt đó vào thực tế, thực thi. Quá trình đó phải làm tích cực, quyết liệt chứ không phải chỉ ký trên văn bản, bởi có nhiều văn bản được ký rồi nhưng thực hiện rất chậm. Theo tôi cần phải khắc phục tình trạng này.

Có ý kiến lo ngại liệu sau những lần cắt giảm sẽ lại có những lần tăng điều kiện kinh doanh, đầu tư lên. Ông có nhận định thế nào về điều này?

Có hai lý do để có thể tăng lên. Một là, người ta tìm ra những cách khác để tăng các điều kiện lên, cho nên phải thấy trước chuyện đó để ngăn chặn tăng thêm điều kiện không cần thiết. Hai là, điều cần thiết phải tăng do sửa đổi luật, bổ sung một số quy định về thể chế trong đó kèm theo điều kiện thì chúng ta vẫn phải chấp nhận. Nhưng số tăng ấy dứt khoát không được tăng nhiều, mà phải khống chế một cách chặt chẽ. Không thể khẳng định ngay được sẽ không tăng thêm, nhưng tôi hy vọng số tăng thêm sẽ bị hạn chế nhiều và không phải dễ dàng tăng thêm như trước đây.

Thưa ông, bộ KH&ĐT, bộ Tài chính và bộ Giao thông Vận tải cũng đang đề xuất cắt bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Ông có đánh giá như thế nào về động thái này?

Với tác động của bộ Công Thương cũng có thêm sức lan tỏa, khiến các Bộ khác phải tiến hành tích cực hơn. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có cớ để thúc đẩy thêm đối với các ngành. Đương nhiên sau bộ Công Thương, bộ Giao thông Vận tải cũng là đơn vị có nhiều điều kiện và nhiều vấn đề cần giải quyết, đó là Bộ thứ hai cần tích cực hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thiên Di

GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp

Đầu tư nước ngoài, nguyên Thứ trưởng bộ KH&ĐT: Quan trọng vẫn là công tác hậu kiểm


Tôi cũng cho rằng bộ Công Thương chắc chắn sẽ còn tiếp tục rà soát bởi vì cuộc sống luôn nảy sinh những vấn đề cần điều chỉnh. Và tôi hy vọng bộ Công Thương sẽ tiếp tục tư duy đổi mới này để làm sao vừa đảm bảo cho các DN hoạt động đúng luật pháp vừa tạo điều kiện hỗ trợ DN phát triển.Quyết định của bộ Công Thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh để "cởi trói" cho doanh nghiệp, theo tôi là đáng hoan nghênh. Chúng ta biết cuộc đấu tranh chống lại "giấy phép con" đã kéo dài dai dẳng 3 năm nay, kể từ khi luật Đầu tư (mới) ra đời năm 2014 và có quyết định các bộ không được ban hành giấy phép con. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là công tác hậu kiểm. Sau khi Bộ có quyết định, bên dưới thực hiện như thế nào – là vấn đề người dân quan tâm. Quyết định tốt như vậy rồi, nhưng sẽ tốt hơn nếu như ít nhất từ nay đến cuối năm, bộ Công Thương tăng cường công tác kiểm tra giám sát để từ 1/10/2017 quyết định này có hiệu lực và lại được thực hiện nghiêm túc ngay từ quý 4/2017 để tạo nên một cú hích đối với nền kinh tế trong năm nay.

Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty luật BASICO:

Hy vọng năm nay cắt giảm 50% ĐKKD với toàn bộ nền kinh tế

Đây là tín hiệu rất tốt, bất ngờ và là lần đầu tiên trong lịch sử có một Bộ chủ động cắt giảm hơn một nửa số điều kiện kinh doanh do chính mình đặt ra. Tôi hy vọng trong năm nay sẽ cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh đối với toàn bộ nền kinh tế và sang năm cắt giảm tiếp chỉ còn 1/4 số điều kiện kinh doanh hiện nay. Điều đó nghĩa là bộ Công Thương vẫn phải tiếp tục rà soát để xem xét cắt giảm những điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không thực sự cần thiết. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự kiến, còn phải chờ kết quả cuối cùng sau khi sửa đổi các Thông tư, Nghị định.

Tin nổi bật