Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều tra vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng Faros và các công ty liên quan.
Trong đó, Bộ Công an đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC) và 19 người khác về tội Thao túng thị trường chứng khoán. Riêng bị can Quyết và 3 bị can khác bị đề nghị truy tố thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh này, có một người cũng bị đề nghị truy tố.
Đồng thời, qua quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an thấy rằng, thị trường đang có các sơ hở, thiếu sót của quy định pháp luật về hoạt động chứng khoán để các đối tượng lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội.Theo đó, việc mở tài khoản chứng khoán quá dễ dàng, không kiểm soát, tạo điều kiện để các bị can thuê, nhờ người khác đứng tên mở hộ tài khoản để sử dụng mua bán, tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao, bán ra thu lời bất chính.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát vốn vay theo hình thức hợp tác đầu tư còn nhiều sơ hở. Ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Công ty Tập đoàn FLC) cùng đồng phạm đã lợi dụng công ty chứng khoán và công ty thứ 3 để lách luật ký hợp đồng cho khách hàng vay với lãi suất hưởng cố định để thu lợi. Từ đó, các đối tượng có nguồn tiền giao dịch, mua bán, đẩy giá, thao túng mã chứng khoán để thu lợi bất chính.
Bị can Trịnh Văn Quyết.
Bộ Công an cũng cho rằng, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán còn thấp, dù hành vi rất tinh vi, có tổ chức, có tính chất phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến thị trường và thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.
Cụ thể, bộ luật hình sự hiện hành quy định mức phạt tiền cao nhất là 4 tỷ đồng, phạt tù tối đa 7 năm, thuộc loại tội phạm nghiêm trọng, thời hạn điều tra tối đa 8 tháng, thời hạn tạm giam để điều tra tối đa 5 tháng. Điều này gây khó khăn cho công tác điều tra và không đảm bảo sự răn đe, phòng ngừa.
Ngoài ra, kết luận điều tra cũng chỉ ra vấn đề thiếu kiểm soát hoạt động của mạng xã hội. Các đối tượng đã lợi dụng thành lập các hội, nhóm kín để hô hào, kích động, lôi kéo người đầu tư. Từ đó điều khiển, thao túng thị trường, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Về căn cứ xác định thiệt hại, Bộ Công an cho rằng hiện nay chưa có các quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý đối với những nhà đầu tư tham gia mua bán các mã chứng khoán trong các giai đoạn bị thao túng.Trong kết luận điều tra, Bộ Công an kiến nghị một số giải pháp tới những cơ quan chuyên môn có liên quan để ngăn chặn tình trạng trên.
Cụ thể, đối với Bộ Tài chính, Bộ Công an kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp phát hành và các thành viên của thị trường chủ động công bố thông tin theo quy định; không để xảy ra các vi phạm về công bố thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường;
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tăng cường công tác nắm tình hình thị trường chứng khoán để kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đặc biệt là các hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường;Tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến cổ phiếu như: Cấm tổ chức, cá nhân cho, mượn pháp nhân; cho, mượn giấy tờ cá nhân để thành lập pháp nhân, mở tài khoản chứng khoán; Cấm công ty chứng khoán cho vay tiền để mua chứng khoán khi các tài khoản chứng khoán không có tiền...;
Phối hợp Bộ Tư pháp, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nghiên cứu sớm ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Đối với Ủy ban Chứng khoán, Bộ Công an đề nghị tăng cường giám sát thị trường chứng khoán, tập trung vào giao dịch các mã cổ phiếu có biến động giá mạnh nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp yếu kém; kịp thời nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường và phát hiện các giao dịch của các mã cổ phiếu được lôi kéo, hô hào thông qua các hội nhóm online, các diễn đàn, mạng xã hội...
Tăng cường thanh tra, giám sát các doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký niêm yết lên sàn chứng khoán, doanh nghiệp có hoạt động chào bán/phát hành trái phiếu có dấu hiệu không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm là dự án, cổ phiếu của chính doanh nghiệp dự án đó.
Bộ Công an chỉ ra hàng loạt “lỗ hổng” trong lĩnh vực chứng khoán sau vụ án FLC.
Cơ quan Cảnh sát điều tra còn đề nghị UBCKNN xem xét xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho mượn tài khoản chứng khoán. Theo kết luận điều tra, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật, bằng thủ thuật nghiệp vụ kế toán và tài chính để tự "tăng vốn" mà không cần có cổ đông góp tiền thật. Từ đó, doanh nghiệp có thể nâng khống vốn điều lệ công ty để thu lợi bất chính, thao túng các hoạt động đấu thầu, đấu giá; thao túng thị trường chứng khoán...
XEM THÊM: Phong tỏa nhiều tài sản của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và các em gái
Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Công an kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến vốn điều lệ của doanh nghiệp. Sửa đổi bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thời hạn hoàn góp vốn của cổ đông đối với trường hợp doanh nghiệp tăng vốn; quy định về trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân đối với các hoạt động liên quan đến vốn điều lệ doanh nghiệp; quy định chức năng, nhiệm vụ giám sát của cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý, nhằm loại trừ trường hợp có sự câu kết, thông đồng, cố tình làm ngơ, bao che của một bộ phận cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong cơ quan quản lý nhà nước;Quy định kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp đảm bảo dòng vốn góp vào doanh nghiệp là dòng tiền thật và chỉ để sử dụng vào việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh chứ không phải để quay vòng tăng khống vốn điều lệ; tăng cường chế tài xử phạt và xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe...
Khánh Ngân