Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ Công an lý giải việc cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe

  • Bảo An
(DS&PL) -

Bộ Công an vừa có dự thảo báo cáo Quốc hội giải trình quy định hành vi "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" trong dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu và người dân rất quan tâm.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn phần lớn do văn hóa xã hội

Ngày 21/2, VietNamnet đưa tin, Bộ Công an đang lấy ý kiến về báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Một trong số nội dung được người dân đặc biệt quan tâm là quy định: "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong mẫu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Về vấn đề này, Bộ Công an vẫn giữ nguyên quan điểm cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe.

Bộ Công an đã giải trình về vấn đề này trong dự thảo báo cáo, theo đó, cơ quan xây dựng văn bản cho biết, sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, làm 2 nhóm: Nhóm các quốc gia nghiêm cấm tuyệt đối và nhóm các quốc gia quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở được phép đối với người lái xe.

Bộ Công an vẫn giữ nguyên quan điểm cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay thực sự rất cần nồng độ cồn bằng không khi điều khiển phương tiện. Bộ Công an phân tích, điều kiện giao thông ở Việt Nam có nhiều đặc thù, ở các nước phát triển chủ yếu là xe ô tô đi đúng theo làn và khoảng cách phù hợp với tốc độ.

Bộ Công an cũng dẫn khảo sát của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn vào loại cao trên thế giới (thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia), đây là tỷ lệ rất đáng báo động.

Rượu bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, sử dụng rượu bia đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Hơn 50% các vụ án giết người; gây rối trật tự công cộng; hiếp dâm; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu bia, hơn 30% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến sử dụng rượu bia.

Do đó, Bộ Công an cho rằng, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Những dẫn chứng đáng báo động

Theo báo Tuổi trẻ, tại bản dự thảo, Bộ Công an cũng nêu rõ những dẫn chứng rất thực tiễn như, văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ bằng 0 thì không uống. Nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống.

Ngoài ra đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì.

Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nhiều người hôm trước nhậu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng tới khả năng lái xe.

Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua.

Chưa kể ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. "Khi một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó xã hội rất cần sự nghiêm khắc", dự thảo của Bộ Công an nêu rõ.

Bộ Công an nhấn mạnh quy định cấm người lái xe sau khi sử dụng rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó lái xe.

Những con số có thể là minh chứng rõ ràng nhất về hậu quả của việc vi phạm pháp luật khi trong cơ thể có nồng độ cồn. Theo thống kê, điều tra xã hội học đối với 43.765 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an thì có 22.442 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia.

Bộ Công an dẫn số liệu, từ 2018 đến 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do tai nạn giao thông đường bộ gây ra là 2,7 triệu lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là hơn 380.000 lượt người (chiếm 13,9%). Trong đó, số nạn nhân có liên quan đến rượu, bia là 425.619 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 70.522 lượt người (chiếm 16,6%).

Theo Bộ Công an, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý quyết liệt, phát huy hiệu quả hơn nữa của chủ trương này.

Bảo An (T/h)

Tin nổi bật