(ĐSPL) - Hàng loạt cán bộ xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đã hợp thức hóa hồ sơ các thửa đất công thành của riêng rồi chiếm hơn 3 tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước.
Theo báo An ninh thủ đô, ngày 25/11, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Đỗ Văn Dũng phạm tội “Nhận hối lộ” và đã lần lượt áp dụng án phạt tù đối với 8 bị cáo trong vụ án.
Đỗ Văn Dũng (SN 1968) – cựu Phó chủ tịch UBND xã Hạ Bằng bị tuyên phạt 6 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt là 14 năm tù giam. Cũng với 2 tội danh này, Nguyễn Thành Huyên (SN 1981) – cựu cán bộ Ban GPMB huyện Thạch Thất bị tuyên phạt tổng cộng 15 năm tù.
Với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Phùng Hòa Bình (SN 1975) – cựu Trưởng thôn 7; Nguyễn Đức Tâm (SN 1970) – cựu cán bộ địa chính xã Hạ Bằng; Nguyễn Xuân Tuyết (SN 1954) – nguyên Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng; Vương Thị Hoa (SN 1982) – cựu cán bộ Ban GPMB huyện Thạch Thất; Nguyễn Văn Xuyến (SN 1965) – cựu Phó chủ tịch HĐND xã Hạ Bằng và Nguyễn Văn Lý (SN 1967), trú ở thôn 6, xã Thạch Hòa, Thạch Thất lần lượt bị tuyên phạt từ 3 năm tù đến 7 năm tù giam.
Nhóm cựu cán bộ xã, huyện ở Thạch Thất bị đưa ra tòa xét xử - Ảnh: báo ANTĐ |
TTXVN dẫn cáo trạng của TAND TP. Hà Nội năm 2007, thực hiện giải phóng mặt bằng trong Dự án khu Công nghệ cao Hòa Lạc, các bị cáo trong vụ án đã lập khống, giả mạo hồ sơ về diện tích đất nông nghiệp tại địa phương bị thu hồi để trục lợi cá nhân và gây thất thoát hơn 3 tỷ đồng ngân sách.
Cụ thể, các bị cáo trên được UBND huyện Thạch Thất phân công vào tổ kiểm đếm tài sản số 4, tại xã Hạ Bằng. Tổ kiểm đếm tài sản này do Đỗ Văn Dũng (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng) làm tổ trưởng, còn Nguyễn Thành Huyên (nguyên cán bộ Ban giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất) làm tổ phó.
Ngày 13/6/2007, khi kiểm đếm tài sản đối với thửa đất số 9, tờ bản đồ số 12 tại địa phương, Phùng Hòa Bình nhận thấy thực tế phần diện tích này chỉ là 1 cái ao, xung quanh có khoảng 20 cây keo và đang bị một người dân tạm chiếm, dựng lều nuôi vịt. Về chủ sử dụng thửa đất thực sự, Phùng Hòa Bình biết rõ thửa đất số 9 thuộc quyền quản lý của UBND xã Hạ Bằng.
Mặc dù vậy, Phùng Hòa Bình vẫn đề nghị và được Nguyễn Thành Huyên chấp thuận cho “phù phép” để biến đất công thành tài sản riêng thông qua việc lập hồ sơ giả thể hiện thửa đất số 9 đã được giao cho 3 hộ dân ở địa phương sử dụng và đều có nhiều cây cối, công trình kiến trúc trên đất. Qua đó, Phùng Hòa Bình đã rút được gần 134 triệu đồng ngân sách.
Với cùng hành vi tương tự, nhóm bị cáo trên đã “phù phép” biến đất công thành của dân đối với nhiều trường hợp khác, lập khống hồ sơ đất đai để chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng tiền ngân sách.
Cũng trong quá trình kiểm đếm đất đai, hoa màu để áp giá bồi thường giải phóng mặt bằng, Đỗ Văn Dũng phát hiện anh Vũ Anh Tuấn (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) mua thửa đất hơn 8.000m2 của một số hộ dân tại xã Hạ Bằng. Tuy nhiên, các bên lại không thể “sang tên đổi chủ” do pháp luật không cho phép. Từ đó, Đỗ Văn Dũng gợi ý để anh Tuấn phải hối lộ 100 triệu đồng thì mới nhận được tiền đền bù. Trên thực tế, Đỗ Văn Dũng và Nguyễn Thành Huyên đã nhận trước 50 triệu đồng của anh Tuấn.
HĐXX nhận định, mặc dù hầu hết các bị cáo đều không thành khẩn nhận tội như nội dung bản cáo trạng, song vẫn có đủ cơ sở để kết luận Đỗ Văn Dũng cùng 7 đồng phạm đã phạm vào 2 tội danh như Viện kiểm sát đã truy tố. Các bị cáo đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tổng cộng hơn 3 tỷ đồng.
Đối với hành vi nhận hối lộ, bị cáo Đỗ Văn Dũng cho rằng, khoản tiền 50 triệu đồng nhận của anh Vũ Anh Tuấn là tiền vay mượn. Song dựa trên những lời khai liên quan cùng các chứng cứ, tài liệu khác đều chứng minh đó là tiền nhận hối lộ để được làm giả hồ sơ đất đai với mục đích nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, nên Đỗ Văn Dũng và Nguyễn Thành Huyên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này.
Điều 281 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ: 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
HẠNH VŨ (Tổng hợp)
Xem thêm video tại đây:
[mecloud]U9SBZNTg0W[/mecloud]