Ông Đinh La Thăng bị VKSND truy tố theo khoản 3, Điều 165 với khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù.
Ngày 25/12/2017, VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng số 09/VKSTC-V5, quyết định truy tố ra trước TAND TP.Hà Nội để xét xử đối với ông Đinh La Thăng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 3, Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Ông Đinh La Thăng. |
Báo Bảo vệ pháp luật dẫn thông tin từ cơ quan tố tụng, trong quá trình thực hiện dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, khi đó ông Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐQT tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVN thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PV Power ký hợp đồng EPC số 33 với tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trái quy định.
Sau đó, ông Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và ban Quản lí dự án căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị can thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu.
Nhận định về mức án ông Đinh La Thăng có thể đối mặt, luật sư Nguyễn Anh Thơm, văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: "Ông Thăng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3, Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Chiếu theo quy định tại Điều luật này, ông Thăng có thể phải đối diện với khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù".
Tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |