Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bị trêu đùa "bố mẹ nhặt em ở bãi rác", bé gái ấm ức viết tâm thư rồi bỏ nhà ra đi

(DS&PL) -

Sau câu đùa "Bố mẹ nhặt em ở bãi rác đấy" chàng trai được phen hốt hoảng khi cô em gái viết tâm thư rồi lấy xe đạp bỏ nhà ra đi.

Sau câu đùa "Bố mẹ nhặt em ở bãi rác đấy" chàng trai được phen hốt hoảng khi cô em gái viết tâm thư rồi lấy xe đạp bỏ nhà ra đi.

Không chỉ bố mẹ hay anh, chị em trong nhà thường đùa với con trẻ rằng chúng được nhặt ở đâu đấy mà ngay cả hàng xóm cũng thường hay nói câu này. Điều này khiến nhiều đứa trẻ tưởng thật và thấy tủi thân vô cùng.

Câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội - Ảnh: Chụp màn hình

Mới đây, trên mạng xã hội tài khoản Nam Kun chia sẻ câu chuyện về cô em gái dễ thương khiến ai đọc được cũng không khỏi bật cười.

Theo Nam Kun, anh thường thích trêu đùa cô em gái rằng: “Bố mẹ nhặt em ở bãi rác”, cho dù nhiều khi cô em phát khóc vẫn cứ trêu.

Có lẽ đã đến lúc cô em gái không chịu được những trò đùa của anh trai, nên quyết định “viết tâm thư” và bỏ nhà ra đi. Còn chàng trai cũng được phen tá hỏa vì trò đùa dai của mình.

Trên trang cá nhân chàng trai Nam Kun chia sẻ câu chuyện:

“Bố mẹ nhặt mày ở bãi rác đấy.

Đây là câu nói kinh điển của không ít những người làm bố, làm mẹ. Và với một người làm anh như mình, câu nói này vô tình trở thành trò đùa trêu ngươi đứa em gái mỗi khi nó đi học về.

Mình đặc biệt thích trêu em, nhiều khi nó phát khóc mình vẫn cứ trêu. Cho đến chiều nay, trong lúc nó đang ngồi xem hoạt hình, mình bảo nó là: "Cả nhà không ai thích xem hoạt hình, có mỗi mình mày thích thôi. Mày đúng là nhặt ở bãi rác rồi em bé ạ".

Bức tâm thư của cô em gái - Ảnh: Facebook

Nói xong mình đi tắm, khi ra thì chả thấy em gái đâu. Loanh quanh thế nào lại bắt được tờ giấy ở trên bàn. Hóa ra con em gái nó tức mình nên bỏ đi luôn mọi người ạ. Mình vội vàng lấy xe máy đi tìm nó. Nhưng thật sự là lúc ấy hoảng, không biết phải tìm ở đâu. Nghĩ một lúc, mình phóng xe ra bãi rác, may mắn thế nào lại thấy nó đang đạp xe ở đoạn đấy. Tý thì vỡ mật, vui thôi chứ vui quá như thế này thì căng lắm”.

Kèm theo dòng chia sẻ này là một bức thư được viết nắn nót để trên bàn cùng hình ảnh cô em gái nhỏ mang theo xách balo quyết bỏ nhà ra đi.

Cô em gái xách balo bỏ nhà ra đi - Ảnh: Facebook

Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, bài viết đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Song đa số ý kiến đều cho rằng việc trêu đùa con trẻ như vậy là không nên, dễ gây ra những hiểu lầm vì trẻ nhỏ rất hồn nhiên, chúng sẽ tin đó là sự thật. Điều này cũng sẽ khiến trẻ dễ tổn thương và dẫn đến những hành động không hay.

Nickname Thanh Hoa đưa ra ý kiến: “Với người lớn có thể là câu đùa chứ con trẻ dễ tổn thương, tủi thân bởi mấy câu như này lắm. Nhất là kiểu đùa có em bé thì bị ra rìa ấy”.

Cùng quan điểm đó, nickname Lâm Đình Hào viết: “Trêu đùa như này đụng vào lòng tự ái của con trẻ . Ngày xưa mình cũng bị trêu đùa là con ông hàng nồi và sau một ngày đẹp trời cãi nhau với bố mẹ và mình quyết tâm bỏ nhà để đi tìm ông hàng nồi. Từ đó, bố mẹ mình không còn dám trêu con rơi con rớt nữa”.

Qua câu chuyện trên, chuyên gia tâm lý Phạm Tình (Hà Nội) cho rằng, trò đùa của người anh trai là thái quá, có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. “Người anh trai, kể cả các bậc cha mẹ cần nhớ, dù đứa trẻ nghe được câu nói này trong không khí vui vẻ, chúng vẫn sẽ cảm cảm giác bất an. Chưa kể, những lời nói này được lặp đi lặp lại nhiều lần, càng dễ khiến chúng hoài nghi. Chúng có thể cố tình bỏ đi, hoặc gây ra lỗi lầm gì đó để xem phản ứng của người lớn ra sao. Nếu người lớn nóng giận, đứa trẻ càng có cơ sở tin rằng chúng thực sự được nhặt từ bãi rác về”.

Cũng theo vị chuyên gia, khi niềm tin này được củng cố, trẻ sẽ càng có xu hướng quậy phá hơn để tiếp tục tìm bằng chứng theo vòng luẩn quẩn như vậy. Cuối cùng, hậu quả là đứa trẻ có thể bỏ nhà đi thật, bởi nó tin nó không thuộc về nơi đó.

“Cha mẹ hãy nhớ rằng, trẻ em khi sinh ra là tờ giấy trắng, cha mẹ và các thành viên trong gia đình sẽ vẽ lên đó những nét vẽ đầu tiên về giá trị, tính cách và phẩm chất để hình thành nên con người các em sau này. Vì thế, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi nói điều gì đó với con trẻ, tránh những câu nói đùa thái quá. Tuyệt đối không sỉ vả, nhiếc móc một đứa trẻ: “Con không phải con bố/mẹ”, “Em không phải là em anh/chị”,… Bởi những câu nói này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và niềm tin của trẻ sau này", chuyên gia tâm lý Phạm Tình khuyến cáo. 

Quỳnh Chi (T/h)

Tin nổi bật