Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bí quyết sống hòa thuận của gia đình có tới 14 đứa con

(DS&PL) -

Câu chuyện về gia đình được cho là đông con nhất Hà Nội gây tò mò không chỉ vì ông Hiển đã từng đỡ đẻ cho vợ mà còn ở cách nuôi dạy con cái sống hòa thuận của họ.

Câu chuyện về gia đình được cho là đông con nhất Hà Nội gây tò mò không chỉ vì ông Hiển đã từng đỡ đẻ cho vợ mà còn ở cách nuôi dạy con của họ. Ai hỏi ông bà chỉ cười, bởi 14 đứa con từ nhỏ đến lớn cứ nhìn cách bố mẹ đối xử với nhau để học tập, lớn lên và trưởng thành.

Có rồi bỏ sao được

Trong những ngày đông giá lạnh, chúng tôi tìm về thôn 1, xã Thạch Đà (huyện Mê Linh, Hà Nội) để gặp ông Phan Văn Hiển (69 tuổi) và bà Tạ Thị Nguyệt (61 tuổi) - cặp vợ chồng được cho là sinh nhiều con nhất Hà Nội.

Bức ảnh gia đình chụp ngày sinh nhật ông Hiển.

Đến đầu xã, hỏi thăm nhà ông Hiển, người được hỏi nhiệt tình chỉ đường và nhanh miệng: “Nhiều người chưa chắc đã nhớ đến tên ông bà ấy, nhưng chỉ cần hỏi đến nhà sinh được 14 người con thì ai cũng biết”.

Chúng tôi đến khi gia đình ông Hiển mới dùng bữa trưa xong. Chưa kịp hỏi chuyện ông Hiển khoe: “Nhà tôi bữa nào cũng phải ba mâm cơm. Bây giờ không chỉ có vợ chồng tôi và 14 người con mà còn các cháu ở cùng. Bữa cơm gia đình bao giờ cũng quan trọng nhất đối với vợ chồng chúng tôi. Cứ nhìn con cháu sum vầy là tôi hạnh phúc, tuổi thọ tăng cao”.

Nói về kỷ lục của gia đình mình, bà Nguyệt cười: “Chúng tôi chỉ nghĩ, đông con là nhà có phúc nên cứ đẻ. Tôi lấy chồng từ năm 19 tuổi và cứ 2 năm đẻ một đứa cho đến năm 47 tuổi thì thôi. Đứa đầu sinh năm 1975, đứa út sinh năm 2003. Đi đâu ai cũng hỏi, thậm chí có người còn “vỗ tay” vì đẻ nhiều quá. Xã cũng như thôn nhiều lần đến tuyên truyền khi thấy chúng tôi sinh nhiều con. Chúng tôi cũng biết sinh đẻ phải có kế hoạch nhưng có rồi thì bỏ sao được, chỉ cố gắng sinh con ra và nuôi dạy các con nên người thôi”.

Bà Nguyệt kể, từ ngày về làm vợ ông Hiển thời gian bà dành hết cho việc... sinh đẻ, chăm con, còn ông Hiển đi kiếm tiền, lo cuộc sống gia đình. Nhiều người cũng hỏi, đẻ tận 14 người con có lo đói không, những lúc như thế ông bà chỉ nhìn nhau và lắc đầu. Bởi, từ ngày sinh đứa con đầu lòng, ông bà không bao giờ để các con phải nhịn đói.

Tuy phải lăn lộn kiếm tiền nhưng ông Hiển không bao giờ than phiền, về đến nhà ông lại giúp vợ chăm sóc các con, cho vợ ngủ.

“Trước ở quê tôi gia đình nào cũng khó khăn, nhất là gia đình đông con như nhà tôi. Vì thế, tôi phải làm việc gấp 10 lần so với những người đàn ông khác. Thế nhưng, dù công việc nhiều tôi vẫn phải yêu thương vợ con mình. Nhiều người cũng bảo sao chúng tôi đẻ lắm thế, có nuôi được không mà đẻ. Tôi tự tin mà nói với họ rằng tôi sẽ không để các con mình phải nhịn đói, từ hạt muối tôi cũng không phải đi xin. Tôi chỉ có một điều buồn nhất là 4 đứa đầu tiên không được học đến nơi đến chốn. Chúng phải bỏ học giữa chừng. Nhưng 8 đứa còn lại tôi đều cho ăn học đàng hoàng, 3 đứa đã thi đỗ và học đại học”, ông Hiển tâm sự.

Ông bà luôn bên nhau và ngọt ngào như thuở ban đầu.

Ông Hiển cũng chia sẻ, thấy bố mẹ sinh nhiều em, những cháu lớn không bao giờ phàn nàn mà còn giúp bố mẹ trông em, bảo ban nhau làm việc nhà. Mỗi khi đến vụ cấy, người dân tại Thạch Đà ai cũng giật mình khi thửa ruộng nhà ông bà chỉ một vài giờ là kín vì 8 cô con gái lội xuống cấy nhanh như máy. Vì thế, bà Nguyệt nhàn hơn rất nhiều và cuộc sống của gia đình ông bà đã ổn định, có của ăn của để.

Bí quyết giữ nếp nhà

Nhà đông con nhưng gia đình vẫn nề nếp, hàng xóm láng giềng chưa từng thấy vợ chồng họ to tiếng với nhau. Không những thế, ông bà luôn nở nụ cười hạnh phúc mỗi khi nhắc về gia đình mình.

Ông Hiển tiết lộ bí quyết giữ nếp nhà: “Để con cái khôn lớn, biết kính trên nhường dưới có sự hòa thuận thì đầu tiên phải là cư xử của bố mẹ. Vợ chồng mà suốt ngày cãi chửi, đá thúng đụng nia thì con cái sẽ không bao giờ nghe lời. Vì thế, vợ chồng tôi chưa bao giờ to tiếng trong bất kỳ trường hợp nào. Tôi là bố của 14 đứa con nên luôn phải làm gương từ lời ăn, tiếng nói và cư xử ngoài xã hội. Đối với chúng tôi, tình nghĩa vợ chồng sẽ là xuất phát điểm để con cháu học tập”.

Còn bà Nguyệt lại có một kỷ niệm mà cho đến bây giờ bà luôn coi đó là lời khuyên bảo đối với các con. “Tôi còn nhớ, khi mới lấy ông Hiển, tôi nói chuyện với chồng đều vâng, dạ. Hàng xóm cứ nghĩ tôi nói chuyện với bố mẹ chồng, nhưng khi biết tôi nói chuyện với chồng thì họ ngỡ ngàng. Nhưng, cho đến tận bây giờ, hơn 40 năm làm vợ tôi vẫn thế. Các con tôi thấy bố mẹ như vậy nên chúng cũng học theo. Chồng gọi là vợ phải dạ, vợ chồng không bao giờ được văng tục, cằn nhằn với nhau. Nếu có điều gì không vừa ý thì chúng tôi đóng cửa bảo nhau. Chúng tôi luôn nghĩ, vợ chồng phải đoàn kết, tôn trọng nhau và hạnh phúc thì đó mới là chiếc cầu vững chắc để con cái bước lên”.

Có 14 người con nhưng ông bà không phải bận lòng về bất kỳ người con nào. Khi các con có những chuyện hiểu lầm với nhau, ông bà trở thành “trọng tài” để phân xử. “Mỗi khi có công việc gì thì mỗi con làm một việc, không đứa nào dám tỵ nạnh với đứa nào. Tôi sẽ là chỉ huy trưởng, thấy không đúng là nhắc các con. Vì thế, việc nhà diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp. Ngôi nhà này là do các con tôi chung tay làm nên và chúng tôi thấy hạnh phúc”, ông Hiển bày tỏ.

Có lẽ, khoảng thời gian khó khăn nhất của gia đình ông Hiển đã qua, hiện ông đã lo cho 8 người con yên bề gia thất và người con nào cũng biết xây dựng gia đình hạnh phúc. Ông Hiển bảo, các con chính là tài sản lớn nhất mà ông bà có được rồi ông chỉ cho chúng tôi bức ảnh sinh nhật ông cách đây mấy năm. Bức ảnh vợ chồng ông ngồi giữa, các con quây quần bên cạnh.

Nhìn lên bức ảnh, ông nắm chặt tay bà và đọc cho bà nghe những câu thơ ông tâm đắc: “Ngồi nhìn con ăn đã thấy vui rồi/ Như chim bay thở hít khí trời/ Như ruộng lúa uống dòng nước ngọt...”.

Bác sĩ của gia đình

Bà Nguyệt nhớ lại: “Đẻ nhiều nên tôi cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc con cái. Từ cái khăn, quần áo, ăn mặc của các con tôi đều chuẩn bị chu đáo trước khi sinh. Tính cách mỗi đứa tôi đều hiểu để nấu ăn và lựa đồ cho chúng. Chồng tôi thường trêu tôi là “bác sĩ” vì 14 đứa con từ bé đến lớn không đứa nào phải đi viện, có chăng cũng chỉ cảm cúm bình thường. Tôi sinh cô con gái út năm tôi 47 tuổi nhưng con gái tôi không hề “cha già con cọc”. Giờ có con gái út lại giúp chúng tôi không còn buồn khi về già khi các anh chị vắng nhà vì có cháu bên cạnh”.

Mai Hằng

Tin nổi bật