Các Bộ trưởng dân tộc chủ nghĩa thuộc đảng Liên minh Flemish mới (N-VA), Bỉ, đã từ chức vì bất đồng sâu sắc đối với Hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels ngày 8/12/2018 - Ảnh: AP. |
Ngày 9/12, chính phủ của Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã rơi vào vị thế thiểu số sau khi một loạt các Bộ trưởng dân tộc chủ nghĩa thuộc đảng Liên minh Flemish mới (N-VA) từ chức vì bất đồng sâu sắc đối với Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc.
Tháng 9 vừa qua, phát biểu ý kiến tại LHQ, Thủ tướng S.Mi-sen tuyên bố ông sẽ tán thành Hiệp ước di cư toàn cầu khi hiệp ước này được đưa ra thông qua tại cuộc họp của LHQ ở Marrakech (Maroc) vào ngày 10/12.
Tối 8/12, ông Charles Michel vẫn khẳng định giữ cam kết này và sẽ tới Marrakech, bất chấp "tối hậu thư" của Chủ tịch N-VA, Bart De Wever, rằng sẽ rời khỏi liên minh cầm quyền nếu Bỉ tán thành Hiệp ước toàn cầu về di cư.
Các bộ trưởng được nhà vua Bỉ Philippe chấp thuận cho từ chức sau cuộc gặp giữa nhà vua và Thủ tướng Charles Michel, người đến trình danh sách những lãnh đạo mới của các Bộ Nội vụ, Tài chính, Quốc phòng và Di cư.
Trước đó cùng ngày, cựu Bộ trưởng Nội vụ Jan Jambon, thuộc Liên minh Flemish mới (N-VA), đã xác nhận trên đài truyền hình RTBF rằng ông và các bộ trưởng khác của đảng đã xin từ chức.
Sự ra đi của N-VA, một lực lượng quan trọng trong liên minh cầm quyền tại Bỉ đã khiến cho Thủ tướng Michel trở thành nhà lãnh đạo của một chính phủ trung hữu không có đa số tại Quốc hội, trong bối cảnh chỉ còn không đầy 6 tháng nữa là đến cuộc bầu cử lập pháp tại nước này dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5/2019.
Trong bốn năm qua, chính phủ Bỉ đã không ít lần bị chao đảo vì quan điểm được coi là cực đoan của N-VA về vấn đề nhập cư. Bộ trưởng Bộ Y tế hiện tại, Maggie De Block, người kiêm nhiệm thêm chức danh Quốc vụ khanh phụ trách tị nạn và nhập cư do ông Theo Francken nắm giữ trước đây, hứa sẽ bảo vệ một chính sách nghiêm ngặt nhưng công bằng.
N-VA là đảng duy nhất trong số bốn đảng thuộc liên minh cầm quyền của Bỉ phản đối văn bản dự kiến sẽ được các nước thành viên Liên hợp quốc ký thông qua tại hội nghị diễn ra trong các ngày 10 và 11/12 ở Maroc, trước khi nó được phê chuẩn tại một cuộc bỏ phiếu tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York ngày 19/12.
Người di cư Trung Mỹ tại khu vực ngoại ô Mexico City, Mexico, trong hành trình tới Mỹ ngày 10/11/2018 - Ảnh: TTXVN. |
Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc, ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, trong khi đó làn sóng di cư Trung Mỹ cũng đang trở nên nghiêm trọng hơn cho thấy mức độ cần thiết phải giải quyết vấn đề này ở các nước.
Vốn không mang tính ràng buộc, Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc xác định các nguyên tắc và khoảng 20 đề xuất nhằm giúp các quốc gia đối phó với vấn đề di cư.
Lãnh đạo các nước Italy, Áo, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Estonia, Latvia, Thụy Sĩ, Australia, Israel và Cộng hòa Dominicana đã quyết định không đến Marrakech.
Trước đó, Mỹ đã quyết định rút khỏi ngay từ khi Hiệp ước này bắt đầu được soạn thảo hồi tháng 12/2017.
Minh Minh (T/h)