(ĐSPL) - Liệu có hay không việc mua bán trứng phụ nữ để phục vụ thực sự cho việc thụ tinh nhân tạo cho người khác một cách dễ dàng.
Sự việc đối tượng Nguyễn Thị Thanh Thảo bị Công an thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) bắt giữ đã khiến dư luận người dân rất quan tâm. Nhiều câu hỏi đặt ra, liệu có hay không việc mua bán trứng phụ nữ để phục vụ thực sự cho việc thụ tinh nhân tạo cho người khác một cách dễ dàng. Và trứng của người bán sẽ được đem đi đâu tiêu thụ. Việc bán trứng có gây ảnh hưởng đến sức khỏe người nhận tiền.
Hành nghề được 3 năm
Sáng 12/8, Công an thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) cho biết, vẫn đang tạm giữ hình sự nghi can Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1982, trú TP.HCM) để điều tra về vụ việc có liên quan đến hoạt động mua bán trứng phụ nữ. Trước đó, qua quá trình điều tra theo dõi đối tượng, khoảng 11h trưa 7/8, các trinh sát công an thị xã Thuận An đã ập vào cửa hàng tạp hoá S. (tại khu phố Đông, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An) bắt quả tang đối tượng Thảo đang nhận số tiền 20 triệu đồng của chị N.T.D.M. (SN 1996, quê tỉnh Hậu Giang, tạm trú tỉnh Bình Dương). Trước đó, do chị M. đổi ý không bán trứng của mình cho Thảo nữa nên trình báo Công an thị xã Thuận An.
|
Thảo là một mắt xích trong đường dây mua bán trứng phụ nữ có quy mô lớn? (ảnh minh họa) |
Ban đầu, khi lực lượng công an xuất hiện, đối tượng Thảo phủ nhận hoàn toàn cuộc mua bán trứng phụ nữ bất thành với chị M.. Sau đó, thị phản ứng mạnh mẽ, không hợp tác với các trinh sát vì cho rằng mình bị bắt oan. Tuy nhiên, với nghiệp vụ điều tra của các trinh sát, buộc Thảo về cơ quan công an làm việc. Đồng thời, Thảo khai nhận toàn bộ quá trình hành nghề môi giới mua bán trứng phụ nữ được khoảng ba năm nay. Thảo cho biết, việc hành nghề mua bán trứng phụ nữ, ban đầu là do một người quen giới thiệu mối mua trứng cho những phụ nữ có chất lượng trứng kém, để phục vụ việc sinh con nhân tạo. Do vậy, nhiệm vụ chính của Thảo là tìm các phụ nữ có độ tuổi từ 25 đến 40 tuổi để thực hiện các "giao dịch".
Mỗi cuộc "giao dịch" thành công, Thảo đều nhận được các khoản hoa hồng xứng đáng. Những phụ nữ bán trứng sẽ nhận được số tiền 20 đến 30 triệu đồng. Qua thời gian hành nghề môi giới mua bán trứng phụ nữ, Thảo thường tìm gặp gỡ với các phụ nữ làm công nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, để tạo cơ hội cho họ có số tiền vài chục triệu đồng nếu ưng thuận bán trứng. Việc mua trứng sẽ kéo dài trong thời gian từ một tuần đến hai tuần. Thảo đồng ý giao một nửa số tiền trước cho các phụ nữ bán trứng, sau đó, hẹn ngày lấy trứng xong sẽ giao hết tiền còn lại. Do vậy, đến ngày lấy trứng, Thảo hẹn trước với người bán đến một địa điểm chọn sẵn (thuê phòng riêng hoặc ở nhà trọ của Thảo) để tiêm một loại thuốc vào người phụ nữ. Sau khi đợi thuốc ngấm vào người trong vòng thời gian khoảng một đến hai tiếng đồng hồ cũng là lúc trứng rụng, và lấy được ra ngoài để đảm bảo chất lượng?! Mới đây Thảo tiếp tục "cò" được chị M. bán trứng với giá 20 triệu đồng. Tuy nhiên, sắp đến ngày gặp Thảo giao trứng, thì sức khỏe chị M. không đảm bảo nên đã trả lại tiền. Đúng lúc, chị M. trả lại tiền cọc mua trứng của Thảo, thì các trinh sát ập bắt Thảo.
|
Cửa hàng tạp hoá S., nơi đối tượng Thảo bị bắt quả tang. |
Choáng váng lời khai "tìm người bán trứng" của "cò"
Từ những thông tin ban đầu, đối tượng Thảo khai nhận, ngoài địa bàn hoạt động tìm kiếm con mồi của thị rải rác khắp các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, thị còn có mặt trước các cổng bệnh viện lớn tại TP.HCM để "săn mồi". Ngoài việc tìm những phụ nữ có gia cảnh éo le, khó khăn bán trứng, thì Thảo sẽ tìm cả đối tượng "tiêu thụ trứng" là những phụ nữ có nhu cầu sinh con nhân tạo.
Theo tìm hiểu được biết, Thảo đã có gia đình riêng. Trước đây, Thảo làm nghề buôn bán kinh doanh tự do, nhưng vài năm trở lại đây thị đã ngừng việc làm chân chính để trở thành một "cò mồi" trong các vụ mua bán trứng phụ nữ. Với những chứng cứ liên quan đến vụ việc cho thấy, có thể Thảo còn là một chân rết trong một đường dây mua bán trứng phụ nữ lớn có cơ sở tại thị xã Thuận An. Do vậy, phía cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ hành vi của đối tượng cũng như những nhân vật liên quan.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, bác sỹ Nguyễn Thị Phương Anh, chuyên gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại TP.HCM cho biết: "Việc lấy trứng ở người phụ nữ khác nhằm mục đích phục vụ cho những ca sinh sản nhân tạo luôn có trong ngành y học. Song, các trường hợp thụ tinh nhân tạo đều trải qua một thời gian dài với sự điều trị, chỉ dẫn rất khoa học, đúng phương pháp của bác sỹ có tay nghề cao trong chuyên khoa, mới có thể đem lại kết quả thành công. Còn việc, xin trứng từ người thân, hay cho tặng, mua bán để lấy trứng từ người bên ngoài, mang vào bệnh viện thụ tinh nhân tạo thì khó đạt kết quả. Bởi lẽ, mỗi lượng trứng được lấy ra khỏi cơ thể phụ nữ cần rất nhiều quy trình, môi trường bảo vệ an toàn để đảm bảo cho quá trình đưa vào thụ tinh nhân tạo cho các bệnh nhân hiếm muộn. Như vậy, việc thụ tinh nhân tạo từ trứng người khác không phải chuyện dễ dàng".