Chợ trời cũng là nơi thu hút những người có thú vui sưu tầm đồ cổ, đồ quý tìm đến thử vận may. Họ đến vừa để mua, bán đồ cổ, cũ vừa trao đổi, khoe kiến thức, kinh nghiệm về các món đồ. Thế nhưng, không phải ai cũng chọn được món cổ vật, quý, độc có giá trị. Bởi, nơi đây, người bán có không ít trò “ma thuật” biến đồ mới thành đồ cổ, đồ cũ, độc, lạ để nâng giá lên gấp chục lần.
Thượng vàng hạ cám
Bên cạnh hàng hóa tiện dụng, giá rẻ, dành cho đối tượng bình dân, chợ trời còn thu hút một bộ phận dân chơi cổ vật, người có thú thích sưu tầm đồ quý, đồ độc lạ... Những người này xem chợ trời là nơi lý tưởng để trao đổi, buôn bán, khoe hàng độc của mình.
Xuất phát từ thị hiếu trên, rất nhiều gian hàng chợ trời chuyên về các loại đồ cổ, đồ quý, đồ độc được thành lập. Khu vực chợ trời nằm trên các tuyến đường Phổ Quang (quận Tân Bình), đường Nguyễn Kiệm nối dài (quận Phú Nhuận và quận Gò Vấp), đường Tân Phước (quận 11), chợ Dân Sinh (quận 1), đường liên tỉnh 5 (quận 8, TP.HCM)... bày bán rất nhiều mặt hàng được các ông chủ giới thiệu là cổ vật, đồ quý, hiếm, độc, lạ. Các mặt hàng được cho là đồ cổ gồm những chiếc bát úp, bình vôi, đĩa, chén, dầm, đôn sứ, lư đồng, chân nến, bát hương, tráp khảm, tượng Phật, đồng hồ, điện thoại, tiền cổ...
Thành phần khách sưu tập, trao đổi cổ vật luôn tấp nập. |
Những địa điểm này tập trung khách là đàn ông tuổi trung niên, “thợ săn” cổ vật từ nhiều nơi. Thế nhưng, không phải ai cũng dễ dàng mua được món đồ quý, độc lạ đúng với giá trị thật của món hàng. Tại đây, khi có một món đồ độc, lạ được bày bán, nhiều người lập tức tập trung đến xem. Sau đó, họ thay nhau phát giá theo kiểu đấu giá để có thể sở hữu. Do đó, nhiều khi người mua bị hớ, mua phải món hàng giá đắt hơn so với chất lượng từ sự cạnh tranh, đấu giá để thể hiện đẳng cấp cá nhân.
Chúng tôi ghé thăm một tiệm trưng bày nhiều đồ đồng cũ trên đường Phổ Quang (quận Tân Bình). Tại đây, ông chủ tên Minh hồ hởi giới thiệu hàng. Ông cho biết có kinh nghiện buôn đồ cổ từ chục năm nay. Hàng hóa của ông thuộc tuýp đồ cổ độc lạ, quý hiếm chỉ dành cho dân sành cổ vật.
“Nhìn các món đồ trông cũ, bẩn, thậm chí xấu xí vậy thôi nhưng lại có giá rất cao. Phải là những vị khách có kinh nghiệm về đồ cổ mới dám bỏ tiền để mua hàng của tôi”, ông Minh cho hay.
Chúng tôi hỏi giá của chiếc dầm (gần giống đĩa, nhưng thành cao, dày hơn - PV) có in hình hoa sen. Ông Minh cho biết giá 2 triệu đồng. Sau khi phát giá, ông đưa ra những kiến thức về sản phẩm một cách khá chuyên môn: “Chiếc dầm có niên đại từ thời nhà Minh (Trung Quốc), dùng để đựng ấm trà cho vua chúa. Ở Việt Nam, chiếc dầm là vật dụng của nhà giàu, thể hiện uy quyền và gốc tích lý lịch gia chủ. Ngoài ra, những cành hoa sen được vẽ mang ý nghĩa cho sự thanh tao, nhiều bổng lộc cho người dùng”.
Theo ông Minh, thực tế những chiếc dầm như trên không phải của người miền Nam mà từ miền Bắc chuyển vào, qua tay nhiều đời chủ. Ông mua lại sản phẩm này từ người bạn gốc miền Bắc để làm vật phẩm quý cho gian hàng, thể hiện tính chuyên nghiệp của người bán. Tiếp đó, chúng tôi hỏi chiếc đĩa đã nứt làm đôi, in hình con rồng có đuôi vươn ra cả ngoài vành đĩa.
Như có cơ hội khoe về kiến thức cổ vật, ông này nói ngay: “Chiếc đĩa có kích thước 20cm này tôi bán với giá 1 triệu đồng. Đây là đĩa thời nhà Lý in hình rồng phun ngọc. Nó dành để trưng trái cây, tiền vàng cúng tổ tiên trên bàn thờ. Những gia đình người Bắc xưa trưng bày chiếc đĩa trong tủ chè, để trang trí nội thất, cũng để thể hiện quyền uy. Song song với đĩa rồng phun ngọc bày trong tủ chè, gia chủ phải sắm thêm bộ trường kỷ có khảm ngọc trai mới xứng”.
Tiếp đó, ông “giảng” thêm một hồi về kiến thức chơi cổ vật gắn liền với sự phát triển xã hội. Ông nói: “Thường những nhà giàu thời xưa trưng bày cả những bức đại tự sơn son thếp vàng bên trên tủ chè, hướng đối diện ra cửa chính gian nhà. Tường nhà thì treo những câu đối với ý nghĩa gia đình tri thức, giàu có, lối chơi chữ tao nhã gắn liền với các huyền sử thời vua chúa xưa... Qua đó, những người chơi đồ cổ, đồ quý, độc lạ phải vừa có trình độ, kiến thức vừa phải có tiền và gia thế”.
Những chiêu thức biến đồ giả cổ thành cổ vật
Tiếp cận nhiều điểm bán đồ cổ tại chợ trời TP.HCM, chúng tôi tổng hợp thêm nhiều thông tin về cách kinh doanh loại mặt hàng này. Câu hỏi đặt ra là với những người chưa thật rành kiến thức về đồ cổ, đồ quý, làm sao có thể phân biệt đâu là đồ cổ, đồ quý, độc lạ thật, đâu là đồ giả. Liệu có thể tin lời của người bán. Do vậy, chúng tôi quyết tâm tìm hiểu thật kỹ về bí quyết chọn đồ thật – giả ở chợ trời cũng như chiêu thức bán hàng của người buôn hàng gắn mác cổ vật.
Qua nhiều ngày rong ruổi, cuối cùng chúng tôi làm quen được với một số người có kinh nghiệm về đồ cổ, chơi đồ cổ và buôn bán những hàng giả cổ trong các khu chợ trời.
Ông N.V.H. (một người sưu tầm cổ vật tại chợ trời, quận 11) cho biết: “Hiện nay, ở các chợ trời, tìm được món đồ cổ quý rất khó, dù có đi nữa cũng không phải là đồ cổ thật. Nhiều món đồ đã bị đánh tráo, giả cổ. Mua hàng dán mác cổ vật về trưng, khoe với bạn bè hoặc để ngắm thì được nhưng nếu đem bán ở những buổi trao đổi cổ vật do dân “nhà nghề” tổ chức thì chỉ là đồ bỏ đi”.
Nói xong, ông H. giải thích cặn kẽ: “Ví như chén, đĩa, đồ làm bằng đồng, nhiều người quan niệm cứ đồ cũ, bẩn bẩn là đồ cổ, đồ xa xưa. Trên mạng có nhiều mẩu chuyện kể về người nông dân cày ruộng, đào giếng, đào ao, đi thuyền vớt được cổ vật. Cho nên, mọi người mặc định đồ đào dưới đất, vớt ở sông, ao,... đều là đồ cổ. Lợi dụng suy nghĩ này, nhiều người dùng các trò “ảo thuật” làm cho những món đồ mới thành đồ cổ, bằng việc đưa sản phẩm chôn dưới đất một thời gian dài”.
“Sau khi moi đồ ngâm dưới đất lên, họ không đánh rửa cho mới vì sợ tróc sơn, lộ ra bộ mặt thật của món đồ. Họ bê nguyên sản vật ra trưng bày, bán ngoài đường, để xen lẫn với một vài món đồ cũ cách đây vài chục năm. Nghiễm nhiên, trong không gian trà trộn cũ – mới, ít ai phát hiện được đồ mới giả cũ. Thêm nữa, phần quảng cáo “có nghề” của các ông chủ bán đồ càng làm tăng độ tin cậy cho người mua”, ông H. cho biết thêm.
Cũng theo ông H., các loại đồ đồng, đồ gỗ, người bán cũng có rất nhiều cách để mông má lại cho đồ mới thành cũ. Thậm chí, người bán phủ cả màng nhện, bột hương đã đốt lên trên mặt đồ vật để “hóa trang” thành món đồ xưa cũ. Từ đó, những người non tay, non mắt về cổ vật, đồ quý dễ dàng bị “bịt mắt lấy tiền”.
Trên thực tế, lời nói người bán đồ cổ, đồ quý ở các khu chợ trời không phải lúc nào cũng đúng. Không ít người có kiến thức bán đồ kiểu “học thuộc bài”, người nghe không biết, thấy bùi tai mà tin tưởng, mua hàng.
“Để tìm được món cổ vật thật, bây giờ khó lắm, không ai mang đồ cổ ra đổ cùng ve chai, đồng nát cả. Các món đồ cổ thật hiện nằm trong các bảo tàng, đình chùa, gia đình giàu có hay các nhà nghiên cứu cổ vật. Những món đồ giả cổ, đồ độc lạ trưng bày ở chợ trời rất đa dạng, chỉ để thỏa chí tò mò, tham quan, tìm hiểu của người mê cổ vật. Dù vậy, khi đến với các gian hàng cổ vật ở các khu chợ trời, chúng ta cũng tiếp thu được những kiến thức mới về cổ vật, giá trị, niên đại hay sự đa dạng của các mặt hàng... ”, ông Minh chia sẻ. H.T Còn nữa...
Giá trị thực cần được kiểm định Ông Trần Văn Hòa, một người buôn đồ cổ tại Thanh Hóa cho biết: “Trên thực tế, không có giá tiền cố định cho bất kỳ một món cổ vật, đồ quý, đồ độc lạ nào trên thị trường. Người sưu tập, người chơi, người mua lựa chọn và đồng ý bỏ tiền mua món đồ đó bằng cảm tính mắt thường. Muốn biết món đồ có giá trị thực bao nhiêu phải cần đến sự thẩm định của nhiều người trong hội cổ vật Việt Nam”. |
Huệ Trần