Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bị lừa hơn 13 tỷ đồng, nữ giáo viên 38 tuổi vẫn tin rằng người yêu qua mạng sẽ cưới mình

  • Như Quỳnh
(DS&PL) -

Bị lừa hơn 13 tỷ đồng, người phụ nữ vẫn mù quáng tin rằng gã người yêu qua mạng sẽ chịu trách nhiệm cưới cô làm vợ.

Theo tờ SCMP, trong vòng 4 tháng của năm 2022, một nữ giáo viên 38 tuổi tên Viên ở Thượng Hải, Trung Quốc đã chi cho bạn trai quen qua mạng 4 triệu nhân dân tệ (hơn 13 tỷ đồng) để anh ta đầu tư bitcoin. Cô Viên cho biết, mình gặp gỡ một người đàn ông “đẹp trai, gia cảnh tốt” trên mạng xã hội và nhanh chóng xác định mối quan hệ yêu đương với người này.

Sau đó, người đàn ông đã giới thiệu cho cô một nền tảng đầu tư và khuyên cô nên đầu tư sinh lời. Vì tin người yêu nên cô Viên cũng tham gia, từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, nữ giáo viên này đã thế chấp một căn nhà để đàu tư.

Cảnh sát Thượng Hải phát hiện có dấu hiệu lừa đảo sau khi thấy tài khoản ngân hàng của cô Viên hoạt động bất thường. Họ cố gắng thuyết phục cô ngừng chuyển tiền, nhưng với niềm tin sau này bạn trai sẽ trả lại cho mình cả gia tài, Viên vẫn bất chấp, tiếp tục đầu tư cho anh ta. 

Khi cảnh sát đến gặp, cô liên tục phủ nhận và nói dối về việc chuyển khoản ngân hàng. Có lần, cô phủ nhận mình đã chuyển 640 nghìn nhân dân tệ (2,1 tỷ đồng) mặc dù ngân hàng đã báo cáo giao dịch này với cảnh sát. Trong một lần khác, cô nói dối về lý do chuyển tiền, rằng cô mua túi xách từ thương hiệu cao cấp do được giảm giá. Đến tháng 3/2023, tổng cộng đã có 12 lần cảnh sát đưa ra cảnh báo với người phụ nữ này.

Đến tháng 3/2023, tổng cộng đã có 12 lần cảnh sát đưa ra cảnh báo với người phụ nữ này. Ảnh: SCMP.

Ngày 9/1, trong cuộc trò chuyện thứ chín với cảnh sát, cô Viên nói họ đã ép cô quá mức: “Áp lực mà các người tạo cho tôi còn lớn hơn áp lực bị lừa đảo".

Cảnh sát cố gắng thuyết phục: "Hầu hết những người từng bị lừa đảo thế này sau cùng sẽ phải khóc lóc cầu cứu chúng tôi để tìm lại số tiền đã mất". Nhưng cô Viên đáp lại một cách kiên quyết: “Tôi sẽ không làm vậy”.

Đến khi một số cô gái khác liên hệ và cho cô Viên xem bằng chứng cho thấy người đàn ông cô quen nhắn tin với nhiều cô gái khác với nội dung tán tỉnh, sau đó dụ đầu tư tương tự, người phụ nữ này mới vỡ lẽ.

Ngày 9/3/2023, cô Viên tự gọi cho cảnh sát để gặp mặt. Nhưng đến cuộc gặp thứ 12 với họ, dường như cô vẫn chưa tỉnh ngộ, khóc lóc không tin mình bị lừa và khẳng định bạn trai sẽ cưới cô.

"Tôi không tin. Anh ấy nói sẽ cưới tôi và giúp tôi kiếm tiền thật mà”, cô vừa khóc vừa nói ở đồn cảnh sát.

Viên cho biết, cô đã gặp người đàn ông này trên mạng. Những bức hình anh ta đăng trên mạng, đối phương có ngoại hình ưa nhìn, gia cảnh khá giả, đặc biệt rất biết cách quan tâm người khác và yêu động vật.

Đối với những phụ nữ độc thân, nếu tất cả những điều này là sự thật thì chắc chắn đây là một người đàn ông có những phẩm chất hoàn hảo để kết hôn. Nhưng những bức ảnh anh ta đăng thực chất là ăn cắp trên mạng xã hội với mục đích hấp dẫn người nhẹ dạ cả tin.

Cảnh sát cho rằng, đây là loại "tội phạm lãng mạn kinh điển", luôn làm giả mạo hồ sơ trên mạng xã hội nhằm lừa nạn nhân.

Một quan chức quận Giang Phố thuộc đội cảnh sát chống lừa đảo cho biết: “Cô Viên đã đầu tư rất nhiều tiền và cảm xúc vào người đó đến mức cô ấy thà tin rằng cảnh sát mới là những kẻ lừa đảo”.

Sự việc đang gây chú ý trên mạng xã hội đất nước tỷ dân. Dù trước đó đã có nhiều vụ việc lừa đảo khi hẹn hò online, lại được cảnh sát nhiều lần can ngăn nhưng nạn nhân vẫn không thể tỉnh táo. Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm và tinh vi trong chiêu thức của những kẻ lừa đảo.

Những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường chống các vụ lừa đảo trực tuyến. Theo số liệu của Bộ Công an Trung Quốc tính đến tháng 7/2022, nước này đã xử lý 594.000 vụ lừa đảo qua mạng và điện thoại. Trước đó, trong năm 2021, chính quyền ngăn chặn âm mưu lừa đảo 1,5 triệu người chuyển tổng số tiền 329,1 tỷ NDT (47,5 tỷ USD).

Những kẻ lừa đảo thường làm việc theo nhóm, sử dụng kịch bản được chuẩn bị sẵn để lấy lòng tin nạn nhân thông qua trò chuyện trực tuyến, trước khi lôi kéo họ vào các sản phẩm đầu tư “có vẻ hợp pháp”, thường là tiền điện tử.

Việc thiếu hành lang pháp lý ngăn chặn rò rỉ thông tin cá nhân, cũng như lỗ hổng quản lý trước đó cho phép nhà khai thác viễn thông bán SIM mà không cần kiểm tra giấy tờ tuỳ thân, đã giúp những kẻ lừa đảo dễ dàng “lộng hành”. Những vi phạm của kẻ xấu gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD, thậm chí còn dẫn đến một số vụ tự tử.

Tháng 12/2022, Bắc Kinh thông qua luật chống lừa đảo điện thoại và gian lận trực tuyến, trao quyền cho cơ quan thực thi truy bắt đối tượng tình nghi ở nước ngoài, đồng thời yêu cầu các công ty viễn thông và ngân hàng cùng vào cuộc truy vết những kẻ lừa đảo.

Như Quỳnh (T/h)

Tin nổi bật