Theo báo Nhân dân, chị T.M (33 tuổi) phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng sau khi tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc tại một spa bốn năm trước. Người thực hiện thủ thuật này không phải là bác sĩ chuyên khoa.
Sau khi tiêm, vùng mông của chị T.M bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bất thường. Dù đã hai lần tiêm tan filler tại cùng cơ sở, tình trạng không được cải thiện đáng kể.
Chị M. sau khi được phẫu thuật. Ảnh: Vnexpress.
Đến cuối năm 2024, chị T.M tiếp tục thực hiện cấy mỡ tự thân vùng mông hai bên tại một bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, khoảng một tháng trước khi nhập viện, chị phát hiện một nốt sưng ở mông phải. Nghĩ rằng đây chỉ là mụn nhọt do thời tiết nóng, chị tự ý dùng kháng sinh tại nhà.
Tình trạng không những không thuyên giảm mà vết sưng ngày càng lan rộng, mưng mủ và gây đau nhức dữ dội. Chị T.M đến một bệnh viện gần nhà để chích mủ và điều trị kháng sinh, nhưng vết thương vẫn không cải thiện. Cuối cùng, chị được chuyển đến bệnh viện để thăm khám chuyên sâu.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết vết mổ ở mông phải của bệnh nhân liên tục chảy mủ màu vàng nâu, sưng nóng đỏ và lan rộng khoảng 20x15cm.
Các bác sĩ ghi nhận chất làm đầy còn tồn tại trong mô với mật độ không đều, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng, bệnh nhân được chỉ định theo dõi và khám định kỳ mỗi tháng một lần. Trong thời gian hậu phẫu, bệnh nhân thay băng hai ngày một lần, mặc quần định hình mông liên tục trong tháng đầu, hạn chế vận động mạnh và kiêng các thực phẩm dễ gây sẹo lồi, dị ứng như rau muống, hải sản, trứng, thịt bò...
Vài năm gần đây, tỷ lệ biến chứng sau tiêm chất làm đầy ngày càng gia tăng. Các chất làm đầy được Bộ Y tế cấp phép thường có khả năng tự tiêu trong khoảng 18 tháng. Việc tồn tại quá lâu trong cơ thể, đặc biệt là các chất không rõ nguồn gốc như trong trường hợp này, có thể gây ra các phản ứng viêm, nhiễm trùng, thậm chí ăn mòn mô mềm và tạo ổ áp xe.
Vnexpress dẫn lời bác sĩ khuyến cáo người có nhu cầu làm đẹp vùng mông, ngực hoặc mặt cần thực hiện tại các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép, kiểm tra kỹ sản phẩm sẽ sử dụng (nguồn gốc, thành phần, khả năng tự tiêu...). Chỉ tiêm các chất làm đầy được cấp phép, thời gian tồn tại dưới 18 tháng. Khi xuất hiện triệu chứng như sưng, nóng, đỏ, đau, chảy dịch, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín càng sớm càng tốt.
LTS: Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, khát khao sở hữu vẻ đẹp hoàn hảo ngày càng trở nên mạnh mẽ. Phẫu thuật thẩm mỹ, với lời hứa về sự thay đổi diệu kỳ, đã trở thành một lựa chọn không còn xa lạ. Tuy nhiên, đằng sau những ánh hào quang và niềm hy vọng về một "phiên bản" đẹp hơn của bản thân, lại ẩn chứa không ít câu chuyện bi hài, thậm chí là những hậu vận đầy cay đắng.
Trang Đời sống & Pháp luật giới thiệu độc giả tuyến bài "Bi hài hậu vận thẩm mỹ" nhằm vén màn những góc khuất ít ai ngờ tới của thế giới "dao kéo". Lắng nghe những lời kể xót xa của những người đã từng đặt trọn niềm tin vào "bàn tay vàng" của các bác sĩ thẩm mỹ, nhưng cuối cùng lại phải đối diện với hiện thực phũ phàng: tiền mất, tật mang, nhan sắc chẳng những không cải thiện mà còn trở nên tồi tệ hơn. Những biến chứng khôn lường, những đau đớn thể xác và cả sự dằn vặt tinh thần đã trở thành gánh nặng đeo bám họ suốt quãng đời còn lại.
Những câu chuyện này không chỉ là lời cảnh tỉnh đanh thép cho những ai đang ấp ủ ý định "trùng tu" nhan sắc, mà còn là hồi chuông gióng lên về trách nhiệm của các cơ sở thẩm mỹ và sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của một bộ phận không nhỏ khách hàng. Qua những mảnh đời đầy nước mắt và sự hối hận muộn màng, chúng tôi hy vọng quý độc giả sẽ có cái nhìn đa chiều và thận trọng hơn về phẫu thuật thẩm mỹ. Vẻ đẹp thực sự không chỉ nằm ở những đường nét bên ngoài mà còn tỏa ra từ sự khỏe mạnh, tự tin và yêu thương bản thân.