Mắt của tôm tích có 16 cơ quan cảm nhận ánh sáng. Chúng có thể thấy 6 loại ánh sáng phân cực. Mắt tôm tích nhìn khắp nơi như vệ tinh mini quét qua quét lại.
Có lẽ, bạn rất quen thuộc với món ăn hải sản liên quan tới tôm tích - hay bề bề. Tưởng chừng như đây là loài vật rất bình thường nhưng một sự thật cực kỳ bất ngờ mà rất ít người trong chúng ta biết đến, liên quan đến cặp mắt của chúng.
Theo các nhà khoa học, tôm tích không những cảm nhận được sóng ánh sáng thường thấy, mà sóng cực tím lẫn ánh sáng phân cực cũng nhìn được. Chúng thậm chí còn thấy cả sóng ánh sáng phát ra từ tế bào ung thư.
Gần đây, các chuyên gia từ Thụy Điển, Mỹ và Úc đã phân tích được cấu trúc trong hệ thần kinh của tôm tích, và hiểu được bằng cách nào sinh vật này lại có cặp mắt thần kỳ đến vậy.
Tôm tích thuộc chi Stomatopoda với 450 loài khác nhau và đủ loại kích cỡ. Dù có tên như vậy nhưng chúng không thực sự là tôm, mà có họ gần với cua hơn.
Lý do chính xác vì sao cặp mắt của tôm tích có thể nhìn được sóng ánh sáng khiến các nhà khoa học đau đầu. Các chuyên gia đặt ra giả thuyết rằng nó liên quan đến khả năng cảm nhận giới tính, hoặc để nhận biết những thông điệp của riêng chúng mà con người vẫn chưa tìm ra. Nhưng dù vì lý do gì, vẫn cần đến các phân tích chi tiết hơn.
Trên thực tế, mắt của con người chỉ có vài loại tế bào cảm nhận ánh sáng, chia thành 3 phổ điện từ trường. Chỉ với 3 phổ này, chúng ta có thể phân biệt được tới 10 triệu màu.
Thế nhưng, dựa theo phân tích của khoa học, tôm tích có 2 cặp mắt kép với cả chục thụ thể cảm nhận ánh sáng, đủ để thấy được cả tia cực tím và tia phân cực. Ngoài ra, mỗi con mắt lại hoạt động một cách riêng lẻ, cho thấy hình ảnh 3 chiều trên gần như mọi góc độ.
Cụ thể, mắt tôm tích có 16 cơ quan cảm nhận ánh sáng. Chúng có thể thấy 6 loại ánh sáng phân cực. Mắt tôm tích nhìn khắp nơi như vệ tinh mini quét qua quét lại. Nên chúng nhìn thấy ánh sáng theo chiều ngang, dọc, chéo và vòng tròn.
Đó là lý do tại sao mắt của tôm tích có thể nhìn thấy thứ mà ngay cả đến con người cũng không thấy. Thật đáng ngạc nhiên với loài vật nhỏ bé này. Đôi mắt của tôm tích mang đến ý tưởng cho các nhà sáng chế camera có 6 ống kính phân cực. Hình ảnh phân cực biến đổi thành màu sắc mà con người có thể nhìn thấy. Các nhà nghiên cứu cho răng tôm thấy ánh sáng phân cực như hệ thống GPS để xác định đường về nhà.
Theo Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật