Tháng 11/1977, Hiệp hội các nhà sưu tập đồ cổ Pháp đã tổ chức một cuộc họp báo đặc biệt để cảnh báo cho các thành viên của mình không nên tìm mua chiếc gương cổ viền gỗ có tên gọi là Louis Alvarez 1743. Lời cảnh báo đi kèm với con số 38 người Pháp đã chết vì xuất huyết não khiến dư luận giật mình.
Một chiếc gương cổ. Ảnh minh họa.
Trong quá khứ, chiếc gương "sát nhân" được tạo ra bởi một nghệ nhân người Pháp Louis Alvarez vào năm 1743. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau khi hoàn thiện sản phẩm, Louis đột ngột qua đời tại nhà riêng do xuất huyết não dù trước đó, sức khỏe của ông vô cùng tốt.
Thời điểm ấy, người ta không bao giờ nghĩ cái chết của vị nghệ nhân này có liên quan đến chiếc gương nên chiếc gương được bán lại cho một cửa hàng tạp hóa. Từ đó, cuộc hành trình của chiếc gương chết chóc bắt đầu.
Chủ nhân đầu tiên mua chiếc gương về là một chủ tiệm bánh ở thành phố Marseille. Vừa đem gương về nhà, còn chưa kịp treo lên, ông đã thấy ớn lạnh trong người, chóng mặt và phải nhập viện. Người này cũng qua đời ngay sau đó vì xuất huyết não.
Vợ của ông đau buồn, đã đem hết đồ đạc của chồng đi bán, bao gồm cả chiếc gương Louis Alvarez 1743. Sau đó, chiếc gương đã "lưu lạc" không rõ tung tích.
Mãi đến 22 năm sau, một biên tập viên tên Arnold đã mua nó ở một cửa hàng vỉa hè tại thủ đô Paris (Pháp) và đem về nhà treo cạnh giường ngủ. Vài ngày sau, cảnh sát phát hiện anh ấy đã qua đời tại nhà vì chứng xuất huyết não.
Nạn nhân thứ tư của chiếc gương là Henry - chủ một cửa hàng đồ cổ. Khi đi dạo chợ cũ, ông thấy chiếc gương Louis Alvarez 1743 có vẻ hấp dẫn nên đã mua nó về trưng bày tại quán của mình. Nhưng thật không may, sau 3 ngày thì Henry cũng đột tử vì xuất huyết não khi đang làm việc.
Đến lúc này, sự kỳ quái của chiếc gương mới được phát giác. Một người bạn của Henry đi dự đám tang tình cờ cũng quen biết nạn nhân thứ ba - Arnold. Ông lên tiếng cảnh báo Louis Alvarez 1743 có "điềm gở" và gia đình nên vứt ngay đi.
Dẫu vậy, không ai có bằng chứng thuyết phục nào để cho rằng chiếc gương đã giết người. Nhưng cũng kể từ đó, tin đồn về Louis Alvarez 1743 được râm ran lan truyền.
Ảnh minh họa.
Sự việc càng ngày càng quái dị hơn khi chiếc gương tiếp tục gây ra cái chết oan nghiệt cho hai nạn nhân tiếp theo là ông Hanmer và vợ ông (bà Jura) sau 70 năm lưu lạc. Bà Jura đã mua được chiếc gương cổ này trong một lần đi dạo và mang về đặt trên chiếc bàn viết ở nhà. Không ngờ được rằng việc làm vô tình đó đã gây ra cái chết oan uổng cho cả hai người ngay sau đó. Cả hai đã lần lượt qua đời trên đường tới bệnh viện cấp cứu bởi nguyên nhân vẫn là chứng bệnh tràn máu não.
Trong vòng hơn 100 năm sau đó,đdã có thêm hơn 20 người nữa chết “bất đắc kì tử”. Hầu hết trước khi đột tử, họ đều rất khỏe mạnh, không nghiện ngập hay mắc bất cứ chứng bệnh gì. Họ chỉ qua đời trong vòng ba ngày sau khi tiếp xúc với chiếc gương ma ám và nguyên nhân dẫn họ tới cái chết đều giống nhau.
Trong số họ, có những người không biết tới chiếc gương này và chỉ tình cờ sử dụng nó; nhưng cũng có những người biết, tò mò, cố tình sử dụng. Dù thế nào nhưng tất cả họ đều phải nhận lấy cái chết.
Vào tháng 4/2005, một nhà khảo cổ học người Mỹ có tên là Waine đã bay đến Paris, Pháp, để tìm hiểu sự thật về "chiếc gương sát nhân" Louis Alvarez 1743. Ông Waine đã lấy một mẩu gỗ ở khung của chiếc gương để tiến hành kiểm tra thành phần hóa học.
Kết quả cho thấy, khung gỗ của chiếc gương được làm từ một loại gỗ rất hiếm gặp của cây coura – loại cây đã tuyệt chủng từ hơn 100 năm trước. Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng, đây là một loại gỗ cực độc. Khi nó tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn và người nào vô tình hít phải mùi gỗ thì đều bị tắc nghẽn mạch máu não, dẫn đến những cái chết vô cùng chóng vánh như trên.
Tuy nhiên, ngay trước thời điểm tuyên bố kết quả nghiên cứu thì chiếc gương lại mất tích một cách đầy bí ẩn, nên nghiên cứu rất khoa học và hợp lý của tiến sĩ Waine không được công nhận. Do đó, cho tới tận bây giờ lời giải cho bài toán chiếc gương "đoạt mạng" 38 người vẫn còn là một ẩn số.
Mộc Miên (T/h)