Với 25 năm xây dựng, nỗ lực phấn đấu và liên tục trưởng thành, BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, có những đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội của quốc gia.
Mới đây, BHXH Việt Nam vừa tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Một phần tư thế kỷ góp phần xây dựng sự nghiệp An sinh”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, từ khi thành lập nước đến nay, chính sách BHXH, BHYT và an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm.
Thực hiện đường lối Đổi mới (1986) đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách ASXH, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị - xã hội, phát triển bền vững. Năm 1992 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ BHYT; năm 1994, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động, trong đó có quy định về việc hình thành quỹ BHXH tập trung, độc lập với ngân sách, tự hạch toán bằng sự đóng góp của chủ sử dụng lao động và người lao động và được Nhà nước bảo hộ.
Cùng với việc đổi mới chính sách, ngày 16/02/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP thành lập ngành BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động với chức năng, nhiệm vụ chính là tổ chức thu - chi BHXH, giải quyết chế độ chính sách và bảo toàn, đầu tư, tăng trưởng Quỹ BHXH. Ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển chức năng tổ chức thực hiện chính sách BHYT từ Bộ Y tế sang BHXH Việt Nam.
Với 25 năm xây dựng, nỗ lực phấn đấu và liên tục trưởng thành, BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, có những đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội của quốc gia.
Điều này được thể hiện qua diện bao phủ BHXH không ngừng mở rộng qua từng năm. Số người tham gia BHTN cũng tăng nhanh với 5,9 triệu người tham gia kể từ khi bắt đầu triển khai năm 2009 lên 12,9 triệu người ở thời điểm 8/2019.
Đặc biệt, năm đến 9/2018, số người và tỷ lệ tham gia BHYT trên tổng dân số tăng ấn tượng, vượt các chỉ tiêu được giao với trên 85,2 triệu người tham gia, tương ứng với tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số, tăng 68,8 triệu người so với năm 2003. Về số thu, từ 6/1995 đến hết ngày 31/12/2018, số thu BHXH, BHYT, BHTN lũy kế toàn Ngành đạt trên 1,886 triệu tỷ đồng.
Toàn cảnh hội thảo |
Cùng với sự gia tăng của đối tượng tham gia, số thu BHXH, BHYT, BHTN cũng liên tục tăng theo thời gian, năm 2018 tổng số thu toàn Ngành đạt 332.006 tỷ đồng, tăng 11,26 lần so với năm 2006 và tăng 425,7 lần so với năm 1995.
Qua 25 năm hoạt động, ngành BHXH đã giải quyết cho trên 112.5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH. Trong 8 tháng đầu năm 2019 đã có 119,4 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT.
Trong khoảng 10 năm gần đây, ngành BHXH luôn tập trung quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính; bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý của ngành BHXH được cắt giảm từ 263 xuống còn 27 thủ tục; thành phần hồ sơ giảm 32%; tiêu thức tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 54%; thời gian giao dịch thực hiện TTHC về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp giảm còn 51 giờ/năm1…
Cùng với đó là những kết quả nổi bật của việc ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng các cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc về hoạt động quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, hồ sơ lưu trữ; cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc; Hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình; Trung tâm Dịch vụ khách hàng phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT...
Đặc biệt, tại Hội nghị Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) lần thứ 35 hồi tháng 9 năm 2018, BHXH Việt Nam đã được trao tặng giải thưởng về “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp” với sản phẩm “Hệ thống thông tin giám định BHYT”.
Thu Hà