Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Ðịnh Khương Thành Vinh cho biết, đến ngày 26/5, tại tỉnh Nam Ðịnh đã xuất hiện 154 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM) ở 84 xã, thị trấn của cả mười huyện, thành phố trong tỉnh. Các huyện Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường và TP Nam Ðịnh có số ca mắc bệnh cao.
Ðáng chú ý là ở Trường mầm non xã Trực Ðại A (huyện Trực Ninh) có sáu cháu cùng mắc bệnh TCM. Hai phòng: Y tế, Giáo dục và Ðào tạo huyện Trực Ninh phối hợp UBND xã, trạm y tế xã tập trung thực hiện các biện pháp xử lý, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng như: cách ly các cháu mắc bệnh, cho học sinh toàn trường nghỉ học; tập trung khử trùng tại trường mầm non, các gia đình có người bệnh... Ðồng thời, cử cán bộ giám sát hằng ngày và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở; khuyến cáo nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện "ăn chín, uống sôi" và giữ sạch đôi bàn tay... Ðến nay, các cháu mắc bệnh TCM ở Trực Ðại đã khỏi, không phát sinh trường hợp mắc mới.
* Bác sĩ Cao Hoàng Phong, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Ða khoa TP Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc) cho biết, hiện bệnh TCM ở địa phương có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, Khoa Nhi đã liên tục tiếp nhận và điều trị cho gần 210 trường hợp mắc bệnh, trong đó điều trị nội trú hơn 30 trường hợp và điều trị ngoại trú gần 180 trường hợp. So với các bệnh khác như: sốt phát ban, thủy đậu, quai bị, sởi..., số ca mắc TCM chiếm cao nhất và có chiều hướng tăng so cùng kỳ năm 2013.
* Bộ Y tế ngày 26/5 cho biết, đang tập trung tuyên truyền về tiêm chủng vắc-xin để phòng bệnh, trong đó có việc hướng dẫn thay thế các vắc-xin phối hợp bằng các vắc-xin đơn giá. Bộ cũng khẳng định bảo đảm việc cung ứng đủ các vắc-xin cho cả Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia và tiêm dịch vụ. Hiện, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đang thực hiện tiêm miễn phí 11 loại vắc-xin, gồm: lao, bạch hầu, bại liệt, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan vi-rút B, bệnh do Haemophylus influenza typ B, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn. Các vắc-xin được các cơ sở tiêm dịch vụ phòng các bệnh: thủy đậu, cúm, các bệnh do phế cầu chủng gây ra, viêm não mô cầu... hoặc phối hợp năm trong một, sáu trong một để giảm số lần tiêm.