Ngày 4/3, máy bay riêng của tỷ phú Bill Gates cùng bạn gái Paula Kalupa đã hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng. Theo lịch trình, nhà sáng lập Microsoft sẽ dành khoảng 5 ngày để nghỉ dưỡng tại khu resort 5 sao sang trọng ở quận Sơn Trà.
Bên cạnh những thông tin liên quan đến vị tỷ phú, nhiều người còn quan tâm đến chiếc chuyên cơ riêng mà ông đã đi khi đến Việt Nam.
Chuyên cơ 65 triệu USD chở tỷ phú Bill Gates đến Việt Nam.
Gulfstream G650ER ra mắt vào năm 2014, là một trong những máy bay thương mại nhanh nhất và lớn nhất thế giới với mức giá từ 65 triệu USD (1,6 nghìn tỷ đồng).
Gulfstream G650ER được trang bị 2 động cơ Rolls-Royce BR725, có sức mạnh vượt trội với tầm bay 13.890km và tốc độ 0,925 Mach, gần với tốc độ siêu thanh (Mach 1). Phạm vi và tốc độ này đã giúp Gulfstream và Qatar Airways, công ty vận hành máy bay G650ER, phá kỷ lục thế giới về chuyến bay “vòng quanh thế giới” nhanh nhất vào năm 2019, bay từ cực này sang cực kia trong chưa đầy 47 tiếng đồng hồ cùng 120 kỷ lục khác.
Nội thất của máy bay phản lực tư nhân này được thiết kế rộng rãi, thuộc hàng sang trọng bậc nhất thế giới với 4 không gian sống có thể được tùy chỉnh theo ý muốn của người mua. Gulfstream G650ER có sức chứa tối đa 17 hành khách ngồi hoặc 6 – 8 hành khách ngủ.
Bên cạnh đó, chuyên cơ còn được trang bị hệ thống làm sạch không khí của Gulfstream. Cứ mỗi 2-3 phút, hệ thống này sẽ lọc và trung hòa các chất gây dị ứng, virus trên máy bay. Gulfstream Aerospace khẳng định hệ thống này sẽ cung cấp 100% không khí trong lành cho hành khách.
Thông tin từ trang web chính thức của Gulfstream Aerospace, Gulfstream G650ER được lắp 16 cửa sổ hình bầu dục - cửa sổ lớn nhất trong ngành hàng không thương mại - nhằm cung cấp nhiều ánh sáng tự nhiên.
Chủ nhân của chuyên cơ sẽ có những phút giây thư giãn nhất có thể, bởi khi bay Gulfstream ở độ cao hơn 12.000m thì áp suất cabin cũng chỉ tương đương với độ cao 9.000m. Đặc biệt, trọng lượng chuyên cơ của Gulfstream ngày càng được cải tiến, nhờ đó bớt được lực cản, tiếng ồn cũng được giảm xuống đáng kể.
Trần máy bay cao 14m, bên trong bao gồm một phòng nơi các tiếp viên hàng không chuẩn bị đồ ăn và thức uống, một phòng khách hay phòng họp nằm trong cabin chính với ghế bành bọc da đi cùng chỗ để chân và khả năng ngả, xoay thoải mái, tựa đầu có thể điều chỉnh và đi kèm tai nghe chống ồn. Đồng thời, bàn ghế được tuỳ chỉnh để có thể sẵn sàng cho bất cứ cuộc họp hay bữa tiệc rượu vang nào cho các doanh nhân.
Một quầy bếp sẵn sàng để các hành khách có thể tận hưởng cuộc sống như ở dưới mặt đất. Mọi tiện nghi đều được “đo ni đóng giầy” với các chất liệu cao cấp.
Buồng lái là hệ thống điều khiển điện tử fly-by-wire tiên tiến, được thiết kế để thân thiện với người sử dụng nhất. Do đó, G650ER có hệ thống điều khiển bay máy bay bán tự động và điều chỉnh bằng máy tính. Các phi công được ủy quyền có thể dựa vào hệ thống tầm nhìn chuyến bay nâng cao (EFVS - Enhanced flight vision system) để hạ cánh máy bay trong điều kiện tầm nhìn hạn chế. Đặc biệt, hệ thống hỗ trợ hạ cánh Predictive Landing Performance System của Gulfstream giúp phi công không bị bay vượt quá đường băng, tăng cường tính an toàn.
Mẫu chuyên cơ G650ER của Gulfstream là một trong những máy bay thương mại bán chạy nhất thế giới với danh sách chờ kéo dài đến vài năm.
Trước chuyến đi trên, vào năm 2006, Bill Gates từng đến đây gặp gỡ các đại diện giới công nghệ thông tin đang phát triển của Việt Nam lúc bấy giờ. Trong chuyến thăm khi đó, nhà sáng lập Microsoft đã dành một buổi ghé thăm Từ Sơn, Bắc Ninh. Ở đấy, ông được trải nghiệm các phong tục địa phương, bao gồm nhai trầu và nghe quan lại truyền thống. Theo các chuyên gia nhận định, tỷ phú công nghệ quay trở lại sau 18 năm là minh chứng cho sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam như một điểm đến du lịch đối với các nhân vật toàn cầu. Bên cạnh đó, lần ghé thăm này tại Đà Nẵng và Hội An có thể thúc đẩy du lịch, lan truyền lịch sử, di sản phong phú, cảnh quan tuyệt đẹp của đất nước ta tới nhiều khu vực hơn nữa. Ngoài ra, những chuyến du lịch cấp cao như vậy thường thúc đẩy sự quan tâm đến các cơ hội đầu tư địa phương, có khả năng mang lại lợi ích cho nền kinh tế và lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. |
Thủy Tiên (T/h)