Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bé trai ở Thanh Hóa bị chó cắn tổn thương nặng tại vùng đầu, mặt

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Bệnh nhi nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu, trên vùng mặt có nhiều vết thương hở, để lộ xương sọ, tổn thương mắt.

Ngày 18/11, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật cấp cứu cho bé trai Y.T.B (2 tuổi, ở thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) bị chó cắn tổn thương nặng ở vùng mặt và đầu, theo báo Dân Trí.

Trước đó, ngày 7/11, bệnh nhi vào viện cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu, có nhiều vết thương hở, phức tạp tại vùng mặt, mắt, da đầu, để lộ xương sọ. Hai mắt tổn thương phần mềm mi trên, rách mi trên và nghi ngờ bị rách lệ quản hai bên.

Bệnh nhi được các bác sĩ khoa Ngoại chấn thương, Răng hàm mặt, Mắt hội chẩn. Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến khoa Gây mê hồi sức để tiến hành phẫu thuật cấp cứu, xử lý vết thương. Sau 11 ngày được các y bác sĩ điều trị tích cực, các vết thương hiện đã khô, sức khỏe bệnh nhi dần ổn định.

Các vết thương hiện đã khô, sức khỏe bệnh nhi dần ổn định sau 11 ngày điều trị. Ảnh: Dân Trí

Anh N.V.T, bố của bệnh nhi, kể bé đang chơi gần nhà thì không may bị chó của nhà hàng xóm tấn công. Gia đình đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy để sơ cứu. Do vết thương quá nặng nên bệnh nhi được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cấp cứu.

Được biết, hàng năm, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá tiếp nhận hàng chục bệnh nhân liên quan đến chó cắn với nhiều vị trí và mức độ khác nhau nhưng chủ yếu gặp tổn thương vùng đầu mặt.

"Nếu nhà có trẻ nhỏ, gia đình không nên nuôi chó hoặc nếu nuôi phải nuôi nhốt. Các bậc phụ huynh luôn luôn phải để ý, quan sát và không cho chó tiếp xúc với trẻ, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc”, báo Giáo Dục và Thời Đại dẫn lời bác sĩ Lê Văn Trường, Phó trưởng khoa Ngoại chẩn thương – Chỉnh hình Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Theo bác sĩ Trường, khi bị chó cắn, tùy theo tình trạng vết thương mà có cách xử lý khác nhau. Nếu vết thương nông, nhỏ, chảy máu ít thì gia đình cần rửa sạch vết thương với xà phòng nhiều lần, sau đó đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị vết thương. Trong trường hợp vết thương rộng, chảy máu nhiều, gia đình cần băng bó vết thương cầm máu và chuyển ngay đến cơ sở y tế.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật